Xuất khẩu nông sản: Trung Quốc sẽ công nhận hệ thống tương đương

Xuất khẩu nông sản: Trung Quốc sẽ công nhận hệ thống tương đương
6 giờ trướcBài gốc
Quy trình sản xuất rất nghiêm ngặt từ khâu nhập nguyên liệu cho đến chế biến thanh long tại Công ty. Ảnh: Nguyễn Văn Việt-TTXVN
Ngày 23/1, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các hiệp hội ngành hàng có liên quan về việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo dự thảo sửa đổi Quy định đăng ký cơ sở sản xuất thực phẩm nhập khẩu ở nước ngoài (Quy định 248).
Cụ thể, Văn phòng SPS Việt Nam vừa nhận thông báo G/SPS/N/CHN/1324 ngày 10/1 của Ban thư ký, Ủy ban SPS-WTO về việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) dự thảo sửa đổi Quy định của Trung Quốc về việc đăng ký cơ sở sản xuất thực phẩm nhập khẩu ở nước ngoài (Lệnh 248).
Một trong những điểm chính của dự thảo là công nhận hệ thống tương đương. Cụ thể, Điều 6 của dự thảo nêu: Nếu hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của quốc gia (khu vực) nơi nhà sản xuất thực phẩm xuất khẩu ở nước ngoài đặt trụ sở đáp ứng một trong các điều kiện sau, thì cơ quan có thẩm quyền nơi thực phẩm xuất khẩu có thể đề nghị công nhận hệ thống từ GACC.
Điều kiện bao gồm: Đồng ý kiểm tra và vượt qua kiểm tra hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của quốc gia (khu vực) được GACC thực hiện; Ký kết thỏa thuận hợp tác về an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu với GACC; Đã ký kết thỏa thuận công nhận lẫn nhau về "Doanh nghiệp được chứng nhận" với GACC; Ký kết các thỏa thuận hợp tác khác và tuyên bố chung với các bộ phận khác của Chính phủ Trung Quốc, bao gồm hợp tác an toàn thực phẩm.
Điều 7 của dự thảo cũng chỉ rõ, nếu hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của quốc gia (khu vực) được GACC công nhận, các cơ quan có thẩm quyền của nơi đó có thể gửi danh sách các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm được khuyến nghị đã đăng ký tại Trung Quốc cho GACC. GACC sẽ tiến hành phê duyệt danh sách nhà sản xuất, nhà sản xuất sẽ được đăng ký và cấp số đăng ký tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc cũng nêu một số điều kiện đi kèm trong Điều 8. Trong trường hợp cần thiết, GACC có thể lựa chọn toàn bộ hoặc một phần các công ty trong danh sách các công ty sản xuất thực phẩm đã đăng ký tại Trung Quốc do các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia (khu vực) nước ngoài được công nhận đề xuất để kiểm tra ngẫu nhiên và xác minh thông qua kiểm tra video, tại chỗ.
"GACC có thể từ chối đăng ký doanh nghiệp có liên quan và chấm dứt việc công nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của các quốc gia (khu vực) nước ngoài có liên quan dựa trên kết quả đánh giá rủi ro", dự thảo nêu.
Bên cạnh các nội dung về đăng ký doanh nghiệp, Trung Quốc cũng sửa đổi, bổ sung các sản phẩm bắt buộc phải có thư giới thiệu đăng ký chính thức từ cơ quan có thẩm quyền của quốc gia (khu vực) xuất khẩu như vỏ xúc xích. Ngược lại, đưa một số sản phẩm khỏi diện này như hạt cà phê rang, hay một số loại rau xanh.
Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Ngô Xuân Nam cho biết, nội dung dự thảo liên quan đến lĩnh vực quản lý của nhiều bộ, ngành, địa phương. Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị các đơn vị góp ý gửi về Văn phòng SPS Việt Nam trước ngày 01/3/2025 để tổng hợp gửi GACC.
Trước đó, tháng 4/2021, Trung Quốc ban hành Lệnh 248 về việc quản lý đăng ký doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc. Lệnh có hiệu lực từ 1/1/2022. Qua hơn 3 năm thực hiện, Việt Nam đã có hơn 3.500 mã nông sản thực phẩm và khoảng 3.000 doanh nghiệp đã được GACC phê duyệt.
Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/xuat-khau-nong-san-trung-quoc-se-cong-nhan-he-thong-tuong-duong/361115.html