Việc thay đổi chính sách nhập khẩu sắt thép của Canada khiến xuất khẩu mặt hàng này của nước ta sang Canada khó hơn.
5 tháng đầu năm, xuất khẩu sắt thép (mã HS 72) của Việt Nam sang thị trường Canada chỉ đạt 19 triệu USD, giảm mạnh 38,6 % so với cùng kỳ 2024. Thương vụ Việt Nam tại Canada cho rằng, xuất khẩu giảm thể hiện xu hướng sụt giảm nhập khẩu của Canada đối với mặt hàng này của Việt Nam đã diễn ra từ 2023 cũng như giảm nhập khẩu đối với nhóm hàng này từ thị trường thế giới (-16,5%).
Do tình hình kinh tế cũng như sự bất định thuế quan, các doanh nghiệp Canada đã giảm mạnh nhập khẩu nhóm mặt hàng này; từ mức trung bình trên 10 tỷ USD hàng năm xuống dự báo khoảng 8 tỷ USD trong năm nay.
Dữ liệu thống kê cho thấy, năm cao điểm 2022, Việt Nam đã từng xuất khẩu sắt thép sang thị trường này với kim ngạch 296 triệu USD, đưa sắt thép trở thành top 7 sản phẩm quan trọng nhất của Việt Nam vào Canada, Việt Nam cũng trở thành top 7 nước xuất khẩu sắt thép lớn nhất vào Canada
Sau 2022, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam liên tục sụt giảm, chủ yếu do tác động của các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với sắt thép của Việt Nam.
Tuy nhiên, kể cả giai đoạn cao điểm xuất khẩu tăng, thị phần hàng của Việt Nam vẫn nhỏ, chưa đến 3%. Xuất khẩu sắt thép vào Canada chủ yếu là Mỹ với thị phần dao động từ 45-52%; tiếp đến là Trung Quốc và Hàn Quốc
Năm ngoái, xuất khẩu sắt thép thuộc mã HS 72 và HS 73 của Việt Nam đạt 217 triệu USD, năm cao điểm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu 2 mã HS này đạt kim ngạch 424 triệu USD.
Từ đầu năm đến nay, nhập khẩu các mã hàng này từ Mỹ giảm mạnh do bối cảnh chiến tranh thuế quan giữa hai nước (-12,7%,) tuy nhiên, Canada vẫn nhập khẩu tăng từ nhiều đối tác khác, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ba Nha, vốn là các nước có Hiệp định thương mại tự do và cả từ các nước không có Hiệp định thương mại tự do như Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ.
Điều này cho thấy sự chuyển dịch chuỗi cung ứng ngành sắt thép của Canada và các tiềm năng cho xuất khẩu sắt thép của Việt Nam.
Thương vụ Việt Nam tại Canada cho hay, những thay đổi trong chính sách phòng vệ thương mại của Canada trong vài năm gần đây đã hạn chế dòng xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam vào thị trường này, khiến cho kim ngạch năm 2024 của Việt Nam giảm mạnh với mã HS 72 và bắt đầu giảm với mã HS 73 trong nửa đầu 2025.
"Chính những thay đổi chính sách thuế quan và thương mại đối với ngành thép của Canada, nhất là chính sách hạn ngạch với sự phân biệt rõ ràng giữa các đối tác FTAs và không có FTAs có thể sẽ có những tác động đến xuất khẩu mặt hàng sắt thép và sản phẩm từ sắt thép của Việt Nam thời gian tới", Cơ quan Thương vụ nhận định.
Về lý thuyết, các biện pháp Canada mới công bố gần đây sẽ tạo điều kiện cho các nước xuất khẩu thép có FTAs với Canada cạnh tranh tốt hơn với các nước không có FTAs với Canada và mở rộng thị phần, do các nước có FTAs được hưởng hạn ngạch cao hơn (100% so với 50% cho các nước có FTAs).
Ngoài tác động tích cực này, việc Chính phủ Canada áp hạn ngạch thuế quan với các nước không có FTAs sẽ khiến các nhà nhập khẩu Canada có nhu cầu mạnh hơn về việc dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các đối tác có FTAs,
Cùng với việc thay đổi hạn ngạch thuế quan, Canada cũng công bố các thức quản lý và triển khai cơ chế hạn ngạch, theo đó, hạn ngạch sẽ do Bộ các vấn đề toàn cầu Canada (GAC) cấp phép. Các nhà nhập khẩu muốn nhập khẩu trong phạm vi hạn ngạch sẽ phải xin giấy phép trước khi nhập để xác nhận lô hàng đủ điều kiện hưởng thuế quan trong hạn ngạch.
Để có giấy phép, các nhà nhập khẩu cần đăng ký mã số EIPA với GAC; các giấy phép này có giá trị trong vòng 20 ngày kể từ ngày cấp. Nếu không có giấy phép đặc thù này, hàng nhập khẩu tự động chịu mức thuế bổ sung 50%, bất kể nguồn gốc và kể cả có giấy phép nhập khẩu thông thường (GIP). Cơ quan dịch vụ biên giới sẽ có trách nhiệm kiểm soát hạn ngạch này ở biên giới (thu thuế bổ sung nếu quá hạn ngạch và kiểm tra các bằng chứng về nguồn gốc của thép).
Do đó, Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Canada cho rằng, những thay đổi gần đây trong chính sách thuế quan với sản phẩm nhôm thép của Canada có tác động tích cực nhưng không nhiều đến triển vọng xuất khẩu của Việt Nam do kim ngạch 2024 của chúng ta quá thấp.
Các nước có FTAs khác có nhiều lợi ích hơn Việt Nam trong các thay đổi này (Hàn Quốc, Mexico, Nhật Bản, EU). Thậm chí, việc áp dụng cơ chế hạn ngạch thuế quan kéo dài còn gây bất lợi với Việt Nam do thị phần của nước ta quá nhỏ để tham gia vào dòng chảy thương mại nhôm thép và khả năng định hình lại chuỗi cung ứng của ngành này.
Thế Hoàng