Xuất khẩu sầu riêng dưới áp lực kiểm soát chất lượng

Xuất khẩu sầu riêng dưới áp lực kiểm soát chất lượng
10 giờ trướcBài gốc
Nhân viên công ty tách sầu riêng để bán cho khách hàng.
Gia tăng kiểm soát xuất khẩu, áp lực lớn từ thị trường Trung Quốc
Từ đầu năm 2025, hàng loạt lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc bị kiểm tra bổ sung, thậm chí bị trả lại do không đáp ứng quy định về kiểm dịch và an toàn thực phẩm. Thực trạng này một lần nữa đặt ra yêu cầu cấp thiết về kiểm soát chất lượng từ gốc, bảo vệ mã số vùng trồng như một tài sản và nâng cao ý thức chuỗi sản xuất.
Tại Đắk Lắk, thủ phủ sầu riêng lớn nhất cả nước, các doanh nghiệp và cơ quan chức năng đang từng bước chuyển mình nhưng cũng đối mặt không ít thách thức.
Đắk Lắk là địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất cả nước, với hơn 38.800ha, sản lượng vụ 2024 đạt gần 362.000 tấn và dự kiến năm 2025 vượt 400.000 tấn.
Là địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất cả nước, với hơn 38.800ha, sản lượng vụ 2024 đạt gần 362.000 tấn và dự kiến năm 2025 vượt 400.000 tấn, tỉnh Đắk Lắk đóng vai trò đầu tàu trong ngành hàng này.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, những rủi ro từ tình trạng gian lận mã số vùng trồng, vi phạm quy trình kỹ thuật và sự cố bị trả hàng đang gây thiệt hại không nhỏ cho các doanh nghiệp và nông dân địa phương.
Sầu sau khi thu hái được bảo quản trong kho lạnh để bảo đảm chất lượng.
“Tính đến nay, toàn tỉnh có 68 vùng trồng và 23 cơ sở đóng gói đã được Trung Quốc cấp mã số. Ngoài ra, còn hơn 5.400ha tương ứng 228 vùng trồng và 16 cơ sở đóng gói đã hoàn tất hồ sơ, đang chờ phê duyệt. Nhưng số lượng mã được phê duyệt vẫn còn quá nhỏ so với sản lượng thực tế, gây áp lực rất lớn”, ông Côn chia sẻ.
Việc thu hồi một số mã số vùng trồng trong thời gian qua khiến hoạt động xuất khẩu của Đắk Lắk gặp khó khăn. Không chỉ mất cơ hội bán hàng, điều này còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên thị trường quốc tế. “Nếu người tiêu dùng mất niềm tin, hậu quả sẽ không chỉ dừng ở một mùa vụ”, ông Côn cảnh báo.
Trước sự cố sầu riêng bị trả hàng cuối năm 2024 vì tồn dư chất vàng O, Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk đã họp khẩn, kiến nghị nhiều nội dung cấp thiết: cần xử lý rốt ráo tình trạng gian lận mã số, làm rõ nguyên nhân tồn dư kim loại nặng như Cadimi, đồng thời thúc đẩy việc thành lập trung tâm kiểm nghiệm tại chỗ, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Chuẩn hóa chuỗi giá trị, con đường sống còn của xuất khẩu sầu riêng
Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), kể từ đầu năm 2025, Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát đối với trái cây tươi nhập khẩu, trong đó sầu riêng là mặt hàng được kiểm tra nghiêm ngặt về dư lượng hóa chất, kim loại nặng và hồ sơ truy xuất nguồn gốc. Khi phát hiện vi phạm, nước nhập khẩu có quyền áp dụng biện pháp cảnh báo, yêu cầu kiểm tra bổ sung, thậm chí tạm ngừng thông quan.
Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt khẳng định, tất cả các quy định này đều nằm trong Nghị định thư đã ký giữa hai nước, theo đó, toàn bộ chuỗi sản xuất và xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam buộc phải tuân thủ ba yêu cầu then chốt: an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật và truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Ông Huỳnh Tấn Đạt khẳng định: Việc sầu riêng bị kiểm tra gắt gao là điều không bất ngờ. Điều bất ngờ nằm ở chỗ ta chưa kiểm soát tốt từ đầu, để xảy ra vi phạm.
“Việc bị kiểm tra gắt gao là điều không bất ngờ. Điều bất ngờ nằm ở chỗ ta chưa kiểm soát tốt từ đầu, để xảy ra vi phạm”, ông Đạt nhấn mạnh.
Từ thực tiễn của Đắk Lắk, lãnh đạo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khẳng định: Một lô hàng vi phạm không chỉ mang danh doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng tới uy tín quốc gia. Do đó, mọi chủ thể trong chuỗi giá trị phải cùng tuân thủ nghiêm túc Nghị định thư, đặc biệt là các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và minh bạch sản xuất.
Một lô hàng vi phạm không chỉ mang danh doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng tới uy tín quốc gia.
Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Huỳnh Tấn Đạt
Theo ông Đạt, tình trạng tồn dư Cadimi có hai nguyên nhân chính. Một là do thổ nhưỡng tự nhiên, nhiều vùng đất có hàm lượng Cadimi cao, độ pH thấp khiến cây dễ hấp thu kim loại nặng. Hai là do nông dân lạm dụng phân bón hóa học, đặc biệt ở các vùng trồng mới, nơi kỹ thuật còn hạn chế.
“Chúng tôi đã khuyến cáo rất rõ: tuyệt đối không sử dụng phân bón chứa Cadimi. Cần thay đổi cách nghĩ: đất là “lá phổi” của cây, nếu đất không sạch thì trái cũng khó lành”, ông Đạt nhấn mạnh.
Đối với chất Vàng O, ông Đạt cho biết, các đoàn kiểm tra chưa phát hiện tồn dư trong khâu canh tác, do đó khả năng cao phát sinh ở các khâu trung gian ngoài phạm vi kiểm soát của ngành trồng trọt. Tuy nhiên, ông Đạt cũng khẳng định: “Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật không né tránh. Chúng tôi đã phối hợp liên ngành để điều tra toàn diện, tránh để một lô hàng sai làm mất thị trường cả ngành”.
Hiện, cả nước có 12 phòng thử nghiệm Cadimi và 8 phòng thử nghiệm Vàng O, đủ năng lực xét nghiệm trên diện rộng. Tuy nhiên, theo ông Đạt, điều quan trọng không nằm ở số lượng phòng thử nghiệm, mà là cách tổ chức để phục vụ doanh nghiệp tốt nhất.
“Một mùa vụ có thể lên tới hàng triệu tấn trái cây. Vấn đề không phải là kiểm ở đâu mà là kiểm thế nào cho nhanh, chuẩn, không làm lỡ chuyến hàng”, ông Đạt nói.
Từ góc nhìn quản lý, ông Đạt cho rằng xuất khẩu sầu riêng bền vững không thể chỉ dựa vào mở rộng diện tích, mà cần hướng tới chuẩn hóa vùng trồng, kiểm soát từ đầu nguồn, từ đất, phân bón, giống, quy trình canh tác cho đến hồ sơ truy xuất và đóng gói.
“Mỗi mã số vùng trồng là một tài sản. Nếu không coi đó là thứ cần gìn giữ bằng trách nhiệm, thì chúng ta sẽ mãi phải xử lý sự cố thay vì xây dựng một hệ sinh thái sản xuất bền vững”, ông Huỳnh Tấn Đạt nói.
Bài và ảnh: PHÚC HUY
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/xuat-khau-sau-rieng-duoi-ap-luc-kiem-soat-chat-luong-post881763.html