Chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ với Việt Nam, dự kiến có hiệu lực sau 90 ngày tạm hoãn, đang tạo áp lực lớn lên xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Các mặt hàng như cá tra và tôm, vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường này, chịu ảnh hưởng nặng nề, bà Lê Hằng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết trong thông cáo báo chí ngày 5/5.
Thuế quan dự kiến sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, khiến các nhà nhập khẩu Mỹ cân nhắc chuyển hướng sang các nguồn cung khác như Ấn Độ hay Ecuador.
Không chỉ vậy, các rào cản kỹ thuật, như kiểm tra an toàn thực phẩm và yêu cầu truy xuất nguồn gốc khắt khe, cũng làm giảm lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.
Tuy nhiên, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và các hiệp định thương mại tự do khác đang giúp Việt Nam giảm thiểu tác động tiêu cực bằng cách mở rộng thị trường sang EU, Nhật Bản và ASEAN.
Doanh nghiệp Việt Nam cũng đang điều chỉnh chiến lược, tập trung vào sản phẩm giá trị gia tăng và đa dạng hóa thị trường để giảm phụ thuộc vào Mỹ.
Theo đại diện Vasep, trong hai tháng tới (tháng 5 và tháng 6), xuất khẩu thủy sản Việt Nam được dự báo sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ trước khi chính sách thuế quan đối ứng mới của Mỹ dự kiến có hiệu lực từ ngày 9/7/2025.
Theo đó, các doanh nghiệp Việt sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ, đặc biệt với các sản phẩm chủ lực như tôm và cá tra, nhằm tận dụng tối đa giai đoạn trước khi thuế quan mới làm tăng chi phí.
Dự kiến kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này có thể tăng 10 – 15% so với tháng 4/2025, nhờ các hợp đồng được ký kết gấp rút và chiến lược giảm giá để duy trì thị phần.
Ngược lại, xuất khẩu sang các thị trường khác như Trung Quốc và ASEAN có khả năng chững lại, với mức tăng trưởng chỉ khoảng 3 – 5%.
Nguyên nhân là do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ sản phẩm thủy sản Trung Quốc, vốn bị áp thuế cao tại Mỹ, buộc phải chuyển hướng sang thị trường nội địa cũng như các thị trường lân cận như ASEAN. Sự cạnh tranh này sẽ làm giảm sức hút của sản phẩm Việt Nam, đặc biệt ở phân khúc giá rẻ.
EU và Nhật Bản có thể duy trì tăng trưởng ổn định (khoảng 8 – 10%), nhờ lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, nhưng không đủ bù đắp sự chững lại ở Trung Quốc và ASEAN.
Dữ liệu mới nhất từ Vasep cho thấy, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ với tốc độ tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, cán mốc 3,3 tỷ USD. Riêng tháng 4 vừa qua ghi nhận mức tăng tới 10%.
Tôm tiếp tục là mặt hàng chủ lực, tăng tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp tới hơn một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu. Sự tăng trưởng này đến từ nhu cầu mạnh mẽ tại các thị trường lớn như Trung Quốc, EU và Nhật Bản, cùng với giá tôm dần phục hồi do tái cân bằng cung cầu toàn cầu.
Trong khi đó, cá ngừ ghi nhận sụt giảm trong tháng trước. Sự thiếu hụt nguyên liệu, đặc biệt do quy định kích thước tối thiểu cá ngừ vằn, đã hạn chế sản xuất và xuất khẩu.
Phương Anh