Hàng loạt kỷ lục
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ ngành công thương năm 2025 mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, cho biết ngành công thương đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2024.
Trong đó xuất nhập khẩu được coi là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế, với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới gần 800 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước, và vượt 2,5 lần kế hoạch được giao. Tính riêng xuất khẩu cả năm ước đạt 403 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2023. Đây là mức tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á.
Bước qua năm 2025, mặc dù vẫn đối mặt với nhiều thách thức khó đoán định, nhưng Bộ Công Thương vẫn đặt ra mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 12%. Tại lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt mốc 10 tỷ USD, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhấn mạnh năm 2024 có nhiều khó khăn với ngành thủy sản, tuy nhiên với khả năng thích ứng linh hoạt, toàn ngành đã đạt được thành tích ấn tượng, với kim ngạch 10 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2023.
Trong đó các mặt hàng chủ lực đều có tăng trưởng tích cực như: tôm 4 tỷ USD (tăng 16,7%), cá ngừ gần 1 tỷ USD (tăng 17%), cá tra 2 tỷ USD (tăng 9,6%). Trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới, hiện Việt Nam là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy. Những kết quả này chính là tiền đề để toàn ngành hướng tới mục tiêu 11 tỷ USD trong năm 2025.
Cũng nằm trong nhóm các ngành hàng nông nghiệp, rau quả năm 2024 mang về kỷ lục chưa từng có trong lịch sử khi cán đích 7,2 tỷ USD (tăng 27%). Trong đó sầu riêng tiếp tục có đóng góp lớn khi mang về hơn 3,2 tỷ USD.
Bước qua năm mới, trước những tín hiệu tích cực như các mặt hàng sầu riêng đông lạnh, dừa tươi sẽ được xuất khẩu mạnh đi Trung Quốc, hay chanh leo nhiều khả năng có mặt tại thị trường Mỹ đang mang đến nhiều cơ hội tăng tốc xuất khẩu hơn nữa cho rau quả Việt Nam. Theo đó, phía Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo năm 2025 ngành rau quả có thể cán mốc 8 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Nếu chinh phục được cột mốc này, Việt Nam sẽ vào nhóm 5 nước hàng đầu thế giới về xuất khẩu rau quả.
Khi nhắc về kế hoạch xuất khẩu cho năm mới không thể không nhắc đến 2 ngành hàng dệt may và da giày - túi xách. Với ngành da giày - túi xách, năm 2024 khép lại với tổng kim ngạch hơn 26 tỷ USD (tăng 10%). Năm 2025, ngành này đặt mục tiêu duy trì mức tăng trưởng 10% với kim ngạch 29 tỷ USD.
Đáng chú ý, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, cho biết tính về năng lực sản xuất ngành da giày Việt Nam đứng thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng về xuất khẩu lại ở vị trí thứ 2 sau Trung Quốc.
Với ngành dệt may, sau khi cán đích 44 tỷ USD trong năm 2024, toàn ngành đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cao hơn trong năm 2025, đạt khoảng 47-48 tỷ USD. Đáng chú ý đến thời điểm hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) đã ký kết đơn hàng hết quý I-2025 thậm chí có những DN đã có đơn đến hết quý II.
Theo chia sẻ của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhiều DN đang từng bước áp dụng công nghệ và tự động hóa trong sản xuất, điều này giúp các DN Việt Nam có thể cạnh tranh về giá trong bối cảnh các chi phí không ngừng gia tăng trong mấy năm qua. Theo tính toán trong 5 năm gần đây, các chi phí đã tăng khoảng 47%, nhưng các DN vẫn không tăng giá bán và vẫn có lợi nhuận.
Không thể “ngủ quên trên chiến thắng”
Mặc dù các ngành hàng đều đặt ra các mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong năm mới 2025. Song cùng với đó các bộ, ngành, các DN, hiệp hội cũng nhìn thấy những thách thức. Như với ngành thủy sản mặc dù có kết quả khả quan trong năm 2024 và tiến tới mục tiêu mới trong 2025, nhưng Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, vẫn chỉ ra những thách thức đối với ngành trong năm mới này, đó là giải quyết thẻ vàng IUU, thích ứng với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và các rào cản từ các thị trường.
Hay như với ngành may tuy có những kết quả tích cực, các DN cũng đang từng bước nỗ lực chuyển mình, thế nhưng không ít DN có chung nhận định rằng chuyển đổi xanh vẫn đang là áp lực không nhỏ. Nhiều nhà mua hàng đã yêu cầu các nhà máy tham gia vào chuỗi cung ứng phải đạt tiêu chuẩn xanh.
Do vậy, DN chỉ còn 2 con đường hoặc tuân thủ hoặc rời khỏi cuộc chơi. Hơn thế nữa, trong một thị trường nhiều biến động khó lường như hiện nay các DN còn phải chuẩn bị sẵn tâm thế có đơn hàng rồi nhưng có thể bị hủy bất cứ lúc nào. Bởi chỉ cần sức mua chững lại chừng 1-2 tuần là nhà mua hàng có thể yêu cầu nhà cung cấp ngưng sản xuất.
Một thách thức khác bao trùm lên nhiều ngành hàng xuất khẩu chính là xu hướng bảo hộ thương mại đang ngày càng gia tăng ở các quốc gia nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, đặc biệt là xu hướng này đang ngày càng mạnh lên ở thị trường Mỹ, một thị trường xuất khẩu chính của hầu hết các ngành hàng của Việt Nam.
Bà Trương Thùy Linh, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (PVTM), cho biết, Mỹ là nước điều tra PVTM nhiều nhất với Việt Nam. Cụ thể, trong năm 2024, Việt Nam đối mặt với 27 vụ việc điều tra PVTM thì Mỹ chiếm tới 11 vụ. Đáng chú ý Mỹ tăng cường điều tra kép (trong một vụ việc điều tra cả chống bán phá giá, chống trợ cấp) và tăng cường điều tra chùm (trong một vụ việc không chỉ điều tra một nước mà điều tra cùng lúc nhiều nước).
Cũng theo bà Linh, các biện pháp PVTM của Mỹ ngày càng khắt khe hơn, cứng rắn hơn và thường xuyên thay đổi theo hướng khó khăn cho DN xuất khẩu. Trong đó Mỹ đưa ra khái niệm lần đầu tiên xuất hiện đó là trợ cấp xuyên quốc gia. Chưa kể việc Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường cũng sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến DN trong quá trình Mỹ điều tra các vụ kiện PVTM.
Để hóa giải những thách thức trong 2025, các hiệp hội đang khuyến nghị DN mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là hướng tới các thị trường có FTA với Việt Nam. Trong năm 2024, Việt Nam đã ký kết hiệp định đối tác kinh tế toàn diện với UAE, mở cánh cửa để DN khai thác thị trường Trung Đông đầy tiềm năng.
THANH DUNG