Xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc: Thêm nhiều rào cản mới

Xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc: Thêm nhiều rào cản mới
5 giờ trướcBài gốc
Bên cạnh các sản phẩm tổ yến đã qua chế biến, Nghị định thư 2025 bổ sung sản phẩm tổ yến thô vào danh mục được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh minh họa: Xuân Thảo
Mở rộng thêm “không gian”
Việt Nam sở hữu lợi thế lớn nhờ bờ biển dài, nhiều đảo và các dãy núi nhô ra biển, tạo điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi chim yến. Chất lượng tổ yến Việt Nam được đánh giá vượt trội so với các nước trong khu vực, với tiềm năng khai thác thương mại hóa cao. Hiện Việt Nam có 29.320 nhà nuôi chim yến trải dài trên 40 tỉnh, thành phố, giá trị kinh tế có thể đạt 1.500 - 2.000 USD/kg tổ yến. Sản phẩm tổ yến chủ yếu được các công ty xuất khẩu, thu về khoản ngoại tệ khoảng 200 - 300 triệu USD/năm, trở thành một nghề quan trọng và có hiệu quả kinh tế cao trong ngành chăn nuôi. Trong chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu sản lượng tổ yến đạt 350 - 400 tấn/năm.
Trước đó, sản phẩm tổ yến sạch, sản phẩm được chế biến từ tổ yến (chưa có tổ yến thô) của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc theo Nghị định thư 2022 được ký kết giữa Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước đây (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường). Nhằm mở rộng loại sản phẩm tổ yến xuất khẩu, ngay sau khi ký Nghị định thư 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước đây (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã tiếp tục đàm phán với cơ quan chức năng phía Trung Quốc để được xuất khẩu tổ yến thô sang Trung Quốc. Nhờ đó, Nghị định thư xuất khẩu tổ yến đã được ký vào ngày 15/4/2025 (gọi tắt là Nghị định thư 2025 - bao gồm cả tổ yến sạch và tổ yến thô và sẽ thay thế cho Nghị định thư ký năm 2022).
Các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới, với nhu cầu ổn định và cao. Điều này cho phép doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận lượng khách hàng tiềm năng lớn và đẩy mạnh doanh thu. Ngoài ra, tổ yến Việt Nam có mặt hợp pháp tại thị trường Trung Quốc sẽ tăng cường giá trị thương hiệu và độ nhận diện, góp phần nâng cao uy tín cho sản phẩm. Hơn nữa, nhu cầu lớn từ Trung Quốc sẽ tác động tích cực đến việc đầu tư và sản xuất trong ngành. Sự hiện diện trên thị trường này cũng sẽ thúc đẩy chất lượng sản phẩm khi doanh nghiệp phải tuân thủ những tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm và quy trình kiểm dịch.
Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu tổ yến Việt Nam, cũng như thuận lợi khi Nghị định thư 2025 vừa được ký kết, bà Đỗ Thị Thu Phương, đại diện Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, ngành yến Việt Nam được đánh giá có giá trị kinh tế và tiềm năng xuất khẩu to lớn. Qua gần 4 năm triển khai Nghị định thư 2022, các doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước giới thiệu sản phẩm tổ yến "made in Việt Nam" vào thị trường Trung Quốc và đã có 13 doanh nghiệp được chấp thuận xuất khẩu sản phẩm tổ yến vào thị trường này với hơn 4 tấn tổ yến tinh chế và hàng triệu sản phẩm tổ yến, giá trị hơn 4 triệu USD.
Cơ hội và thách thức
Cũng theo bà Đỗ Thị Thu Phương, một trong những điểm thay đổi lớn trong quy định lần này là yêu cầu sản phẩm tổ yến phải được kiểm tra dư lượng nhôm, giới hạn tối đa là 100mg/kg sản phẩm khô. Lý do được phía Trung Quốc đưa ra là nhằm hạn chế tình trạng một số doanh nghiệp sử dụng chất tẩy trắng trong quá trình sơ chế tổ yến, mà thành phần chính là nhôm để làm sạch và làm sáng màu sản phẩm. Việc sử dụng chất này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng nếu tồn dư vượt mức cho phép.
Chỉ tiêu này không chỉ áp dụng cho Việt Nam mà còn với cả các quốc gia xuất khẩu tổ yến khác như Indonesia hay Malaysia. Đây là biện pháp bảo vệ người tiêu dùng và minh bạch chất lượng hàng hóa nhập khẩu.
Cùng với chỉ tiêu dư lượng nhôm, Nghị định thư mới còn quy định bắt buộc tổ yến xuất khẩu phải được xử lý ở nhiệt độ trên 70 độ C trong ít nhất 3,6 giây. Quy trình này nhằm tiêu diệt virus cúm gia cầm và Newcastle, hai tác nhân dịch bệnh có thể lây lan từ môi trường nuôi yến.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với từng lô hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, điểm thuận lợi là không cần giấy chứng nhận xuất xứ, giúp giảm bớt một bước trong khâu thủ tục hành chính.
Không chỉ kiểm tra sản phẩm, Nghị định thư mới còn yêu cầu doanh nghiệp phải khai báo năng lực sản xuất phù hợp với thực tế. Nếu một cơ sở khai có thể chế biến hàng chục tấn yến mỗi tháng nhưng thực tế chỉ có máy móc nhỏ lẻ, không đảm bảo công suất, thì sẽ bị xem là không trung thực và có thể bị loại khỏi danh sách đủ điều kiện xuất khẩu.
Bên cạnh đó, hệ thống truy xuất nguồn gốc cũng trở thành tiêu chí bắt buộc. Trung Quốc từng ghi nhận một số trường hợp doanh nghiệp Việt Nam khai báo sản lượng lớn hơn thực tế hoặc sử dụng nguyên liệu từ yến nhập khẩu giá rẻ để “lách” kiểm dịch, gây mất lòng tin từ phía đối tác.
Để tận dụng cơ hội từ thị trường Trung Quốc, đại diện cơ quan quản lý, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho rằng cần xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, quy hoạch vùng nuôi, và nâng cao chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp được khuyến khích chế biến sâu, cạnh tranh lành mạnh, và hướng tới xây dựng thương hiệu quốc gia. Việc hoàn thiện khung pháp lý, ứng dụng khoa học công nghệ, và tăng cường giám sát an toàn thực phẩm là những bước đi cần thiết.
“Đồng thời, cần tháo gỡ vướng mắc pháp lý về cấp phép xây dựng nhà yến – hiện đa số chưa được cấp phép chính thức – và kiểm dịch động vật. Sự phối hợp giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp, và người dân sẽ giúp ngành yến Việt Nam không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu mà còn tạo dựng uy tín trên thị trường quốc tế”, Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y cho biết thêm.
Xuân Thảo
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/xuat-khau-to-yen-sang-trung-quoc-them-nhieu-rao-can-moi.html