Một trong những điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2024 là kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 786,3 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 405,5 tỷ USD, tăng 14,3% và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 380,8 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm 2023.
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng khá thời kỳ (2020-2024), tăng 14,3% so với năm 2023, vượt hơn gấp đôi chỉ tiêu phấn đấu năm 2024 (6%) tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 5/1/2024. Năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa Việt Nam đạt xuất siêu 24,8 tỷ USD và là năm thứ hai đạt giá trị xuất siêu lớn trong thời kỳ (2020-2024) .
Xét theo thị trường, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2024 tăng trưởng khá so với năm 2023, ở hầu hết các thị trường là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Trong đó, Mỹ tăng tới 23,3%; EU tăng 19,3%; Hàn Quốc 8,7%; ASEAN 13,7%...
Để duy trì kim ngạch xuất khẩu sang thị trường lớn nhất này của Việt Nam, Bộ Công Thương đã vạch ra 2 kịch bản.
Theo giới chuyên gia, xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ - thị trường lớn nhất của Việt Nam khi Tổng thống đắc cử Donald Trump dự kiến sẽ có nhiều chính sách thương mại mới giai đoạn tới.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2024, Việt Nam cũng là đối tác lớn thứ 8 của Mỹ, chiếm 4,13% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Về xuất siêu, Việt Nam đang xếp sau Trung Quốc và Mexico tại thị trường này.
Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, mục tiêu của ông Donald Trump là giảm thâm hụt thương mại; thúc đẩy sản xuất trong nước và thu hút đầu tư. Trong bối cảnh tự do hóa thương mại toàn cầu, ông Donald Trump lại sử dụng một công cụ cổ điển là thuế quan. Thực tế, ông Donald Trump đã áp thuế cao với hàng hóa từ nhiều thị trường như Trung Quốc, EU…
Trước đây, ảnh hưởng của hàng Việt Nam từ thuế quan của thị trường Mỹ chưa lớn. Tuy nhiên, bước vào năm 2025, để duy trì kim ngạch xuất khẩu sang thị trường lớn nhất này của Việt Nam, Bộ Công Thương đã vạch ra 2 kịch bản.
Kịch bản khả quan là Mỹ duy trì chính sách thuế hiện hành đối với hàng Việt Nam. Trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, Việt Nam hoàn toàn có thể đón nhận dòng đầu tư để gia tăng xuất khẩu.
Ở kịch bản thứ hai, nếu tác động thuế quan gắt gao, chặt hơn có thể tác động đến kinh tế toàn cầu, khiến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có thể ảnh hưởng ít nhiều. Thị trường Trung Quốc - đối tác lớn của Mỹ nếu gặp khó khăn do bị áp thuế cũng sẽ tạo ra sức ép tại Mỹ và tạo sức ép với Việt Nam.
"Đối với kịch bản này, Bộ Công Thương sẽ xem xét báo cáo Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong việc đa dạng hóa thị trường trong thời gian tới", ông Hải thông tin.
Nguyệt Minh