Sản xuất sản phẩm may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Unico Global YB, Khu Công nghiệp Âu Lâu, thành phố Yên Bái.
Năm 2024 các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Cơn bão Yagi vào tháng 9/2024 đã gây ngập lụt nghiêm trọng tại Yên Bái, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và đình trệ hoạt động của nhiều doanh nghiệp. Các nhà máy ngừng hoạt động trong nhiều tuần, đặc biệt là ngành may mặc bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi một doanh nghiệp lớn phải dừng sản xuất đến cuối tháng 11/2024.
Bên cạnh thiên tai, những biến động kinh tế như xung đột Nga - Ukraina, lạm phát toàn cầu đã đẩy chi phí vận chuyển tăng vọt, đồng thời giảm nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường truyền thống.
Ngành xuất khẩu gỗ, tre nứa và sản phẩm chế biến gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì sản lượng. Trước khó khăn, các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: đẩy nhanh đầu tư công, khơi thông thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại và thương mại điện tử. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, RCEP đã được khai thác tích cực, giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội mở rộng thị trường.
Hệ thống ngân hàng cung cấp các gói vay ưu đãi, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn tài chính. Bên cạnh sự đồng hành của chính quyền, các doanh nghiệp cũng nỗ lực vượt khó sửa chữa nhà xưởng nhanh chóng phục hồi sản xuất; nhiều doanh nghiệp đã chủ động tái cơ cấu sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu và tích cực tìm kiếm thị trường mới.
Ông Phạm Ngọc Mai - Cán bộ quản lý Công ty TNHH Vina KNF, huyện Trấn Yên cho biết: "Cơn bão Yagi đã gây thiệt hại lớn cho công ty chúng tôi. Hệ thống nhà xưởng sản xuất, máy móc và sản phẩm hàng hóa chưa kịp giao cho khách hàng bị hỏng. Nhờ sự hỗ trợ nhanh chóng từ chính quyền, chúng tôi đã khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất vào tháng 11/2024 và bảo đảm việc làm ổn định cho hơn 600 lao động”.
Đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hoạt động xuất khẩu đã vượt qua thách thức để bứt phá với kết quả ấn tượng. Theo Sở Công Thương tỉnh, kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 425,5 triệu USD, tăng 19,8% so với năm trước và vượt kế hoạch 1%. Một số ngành hàng chủ lực vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định, như nông, lâm sản và nguyên liệu sơ chế đạt 160,46 triệu USD, tăng 3%; công nghiệp và khoáng sản chế biến đạt 161,39 triệu USD, tăng 44%... Tuy nhiên, nhóm ngành may mặc giảm mạnh 11% so với năm 2023, chỉ đạt 60,8 triệu USD do ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai.
Năm 2025, Yên Bái đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 500 triệu USD, tăng 17,5% so với năm 2024. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh sẽ tập trung vào các giải pháp trọng tâm, trong đó, thường xuyên tổ chức các hội nghị để lắng nghe và giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, xuất khẩu và công nghiệp. Triển khai kế hoạch hành động, nâng cao hiệu quả xúc tiến xuất khẩu và phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh cung cấp thông tin thị trường, giúp doanh nghiệp nắm bắt xu hướng và biến động để đưa ra kế hoạch sản xuất phù hợp.
Tăng cường nghiên cứu và phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường quốc tế; tiếp tục chuyển đổi số trong các lĩnh vực sản xuất, quản lý và xúc tiến thương mại. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, các chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh sẽ tập trung vào các thị trường tiềm năng thuộc Hiệp định CPTPP, EVFTA và RCEP. Đồng thời, tỉnh sẽ xây dựng chiến lược dài hạn để giảm sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống; bảo đảm nguồn cung nguyên liệu ổn định, khuyến khích doanh nghiệp liên kết sản xuất, hình thành chuỗi giá trị trong tỉnh và khu vực.
Với sự quan tâm, đồng hành của chính quyền và quyết tâm từ các doanh nghiệp, xuất khẩu Yên Bái hứa hẹn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2025.
Văn Thông