Con số này đã tăng 15% so với năm trước và vượt gần 3 lần so với mục tiêu kế hoạch Chính phủ giao là khoảng 6%. Trong đó xuất khẩu trên 400 tỷ USD, tăng 14,4% và nhập khẩu tăng 16,4%.
Cán cân thương mại duy trì xuất siêu ở mức cao gần 25 tỷ USD, ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp.
Cả nước có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (cùng kỳ năm trước chỉ có 33 mặt hàng), trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Có 44 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,6% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 5 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 51,4%).
Xuất nhập khẩu năm 2024 đạt kỷ lục mới gần 800 tỷ USD. (Ảnh minh họa)
Theo Bộ Công Thương, những con số trên chứng tỏ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Một trong những nguyên nhân quan trọng do là Bộ triển khai chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030; phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, khai mở các thị trường, lĩnh vực mới, có tiềm năng, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ, đẩy mạnh chuyển đổi số cấp chứng nhận xuất xứ điện tử... Đặc biệt, đổi mới mạnh mẽ công tác xúc tiến thương mại theo hướng đa dạng hóa phương thức triển khai..
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ 2025, Bộ Công Thương cũng cho biết, sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục 8,4%. Trong đó ngành chế biến chế tạo tăng gần 10% (so với năm 2023 chỉ dưới 1%), tạo động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng vĩ mô.
Nhiều địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, duy trì được thành tích tăng trưởng công nghiệp khá với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng ở 60/63 địa phương trên cả nước. Nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm phục hồi nhanh và duy trì đà tăng tích cực như Bắc Giang tăng 27,7%; Vĩnh Phúc tăng 11,1%; Hải Phòng tăng 15,3%; Hải Dương 13,9%; Thanh Hóa 19,2%; Quảng Nam tăng 18,6%; TP.HCM tăng 7,1%; Bình Dương tăng 6,8%; Đồng Nai tăng 8%.
Trong năm 2025, ngành Công Thương đề xuất nâng các chỉ tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, để thực hiện chỉ đạo mới nhất của Chính phủ, Thủ tướng về việc xác định kịch bản tăng trưởng GDP ở mức cao 8%.
Cụ thể, chỉ số IIP phấn đấu tăng khoảng 9 -10% so với năm 2024; Xuất khẩu hàng hóa phấn đấu tăng khoảng 12% so với năm 2024; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu tăng khoảng 10% so với năm 2024; Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 347,5 tỷ kWh, tăng khoảng 12,2% so với năm 2024.
Minh Đức