Theo đó, trong nửa đầu tháng 5, tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt 36,09 tỷ USD, giảm 6,8% so với kỳ 2 tháng 4/2025, tương ứng giảm 2,64 tỷ USD. Tuy ghi nhận mức giảm trong nửa đầu tháng 5, nhưng xu hướng tăng trưởng tích cực từ đầu năm đến nay vẫn được duy trì.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động ngoại thương của cả nước. Tính đến giữa tháng 5, kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực này đạt 211,59 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 28,4 tỷ USD, chiếm khoảng 67,5% tổng kim ngạch cả nước.
Trong kỳ nửa đầu tháng 5, khu vực FDI xuất khẩu đạt 13,24 tỷ USD, giảm 5,7% so với kỳ 2 tháng 4, trong khi nhập khẩu đạt 13,9 tỷ USD, tăng mạnh 25,8%. Tính lũy kế đến ngày 15/5, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 112,36 tỷ USD, tăng 13,1%, và nhập khẩu đạt 99,23 tỷ USD, tăng 18,4%.
Tính đến ngày 15/5/2025, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 157,5 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước (tương ứng tăng 18,49 tỷ USD).
Một số nhóm hàng xuất khẩu chủ lực ghi nhận tăng trưởng ấn tượng: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: đạt mức tăng 9,22 tỷ USD, tương đương 38,3%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng: tăng 2,66 tỷ USD, tương ứng 16,1%; Cà phê: đạt mức tăng trưởng mạnh nhất, với 1,52 tỷ USD, tăng 56,6%.
Tuy nhiên, trong nửa đầu tháng 5, xuất khẩu đạt 16,88 tỷ USD, giảm 18,3% so với kỳ 2 tháng 4. Các nhóm hàng giảm nhiều nhất gồm: máy móc, thiết bị (-513 triệu USD), hàng dệt may (-401 triệu USD), máy vi tính và linh kiện (-394 triệu USD).
Tổng kim ngạch nhập khẩu đến giữa tháng 5 đạt 155,76 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng tăng 23,04 tỷ USD.
Trong nửa đầu tháng 5, trị giá nhập khẩu đạt 19,21 tỷ USD, tăng 6,2% so với kỳ liền trước. Một số nhóm hàng chủ lực có mức tăng đáng kể gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: tăng 933 triệu USD, tương ứng 16,7%; Vải các loại: tăng 84 triệu USD, tương ứng 12,5%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng: tăng 80 triệu USD, tương ứng 3,2%.
Từ đầu năm đến ngày 15/5, các mặt hàng nhập khẩu có mức tăng mạnh gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 13,26 tỷ USD, tương ứng 36,7%); máy móc thiết bị (tăng 3,71 tỷ USD, tương ứng 22,6%).
Dù nửa đầu tháng 5 ghi nhận mức nhập siêu 2,32 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam vẫn duy trì trạng thái thặng dư 1,74 tỷ USD. Đây là tín hiệu tích cực, phản ánh khả năng kiểm soát cán cân thương mại trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động.
NH