Xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới: Nhìn lại những bài học 'đắt giá'

Xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới: Nhìn lại những bài học 'đắt giá'
15 giờ trướcBài gốc
Xuất khẩu kỷ lục vượt 400 tỷ USD, nhiều ngành chủ lực tăng trưởng hai con số
Báo cáo về hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, dự kiến kim ngạch cả năm vượt ngưỡng 700 tỷ USD, vượt hơn 100 tỷ so với năm 2023.
Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao ở mức hai con số với sự phục hồi tích cực của các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 403 tỷ USD, vượt xa mức 354,7 tỷ USD của cả năm 2023, tăng 13,6% so với năm 2023 (năm 2023 giảm 4,6%), đây là mức tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á.
Theo bà Thắng, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực. Trong đó, nhóm công nghiệp chế biến phục hồi mạnh, là động lực đóng góp chính vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước (chiếm gần 85%). Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực vốn gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 đã có sự phục hồi nhanh, lấy lại đà tăng trưởng cao ở mức hai con số.
Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 403 tỷ USD, vượt xa mức 354,7 tỷ USD của cả năm 2023 (Ảnh minh họa).
Đáng chú ý, mặt hàng công nghiệp như da giày, dệt may, điện tử có vị trí xếp hạng xuất khẩu cao so với khu vực và thế giới. Một số ngành công nghiệp nền tảng (thép, hóa chất, cơ khí chế tạo) đã từng bước đáp ứng nhu cầu về tư liệu và năng lực sản xuất của nền kinh tế; công nghiệp quốc phòng đã từng bước tham gia thúc đẩy phát triển nền công nghiệp quốc gia...
Lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng, kinh tế Việt Nam phục hồi rõ nét trong năm 2024 sẽ là tiền đề thuận lợi cho năm 2025, khi nhiều tổ chức nhận định kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng.
Những bài học "đắt giá"
Đánh giá kết quả này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay, nhờ việc khởi sắc đơn hàng từ quý II.
Điều đặc biệt, trong bức tranh xuất khẩu, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng cao hơn khu vực FDI và tỷ trọng về kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
"Mặc dù tỷ trọng về kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước ghi nhận mức tăng thêm chưa nhiều, từ con số 25-26% thì nay tăng lên khoảng 27-28%, nhưng đây cũng là điều đáng trân quý. Bởi lẽ, hoạt động xuất khẩu hàng công nghệ giá trị cao thông thường các doanh nghiệp có vốn FDI sẽ có năng lực xuất khẩu tốt hơn các doanh nghiệp Việt Nam, giá trị hàng công nghiệp chế biến chế tạo xuất khẩu cũng nhiều hơn", ông Thịnh nói.
Đóng góp cho kết quả xuất nhập khẩu năm nay, các ngành như nông lâm thủy sản, dệt may… có nhiều bứt tốc. Theo ông Thịnh, có được điều này chúng ta đã phải trả những bài học "đắt giá".
Cụ thể, năm nay, ngành nông lâm thủy sản thu về khoảng 62 tỷ USD, vượt mục tiêu mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra. Ông Thịnh nói, nhờ các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp cũng đã chú trọng nhiều hơn trong hoạt động xuất nhập khẩu theo con đường chính ngạch sau khi có nhiều rủi ro xuất khẩu tiểu ngạch những năm trước.
"Hình ảnh xe nông lâm thủy sản xếp hàng dài ở cửa khẩu nhiều ngày gây thiệt hại lớn, hay việc hàng mang đến đến cửa khẩu nhưng đối tác không nhận... là những rủi ro xuất khẩu tiểu ngạch lặp đi lặp lại nhiều năm", ông thịnh cho rằng, xuất khẩu chính ngạch cần mạnh mẽ hơn nữa.
Tình trạng ùn tắc ở cửa khẩu biên giới Lạng Sơn đã thuyên giảm nhờ tăng cường xuất khẩu chính ngạch (Ảnh minh họa).
Còn ngành dệt may, kim ngạch xuất khẩu năm nay ước đạt 44 tỷ USD, tăng 11,26% so với năm 2023. Đây là kết quả ngoạn mục khi chỉ mới năm ngoái, câu chuyện ngành dệt may được nói đến rất nhiều về việc doanh nghiệp Việt bị mất đơn hàng "vào tay" Bangladesh.
Ông Thịnh nói rằng, ngay từ cuối năm 2023, khi chúng ta có nhận thức ra vấn đề, nhiều doanh nghiệp dệt may đã thực hiện xanh hóa hoạt động sản xuất, đổi mới quy trình, nhập các phương tiện, công cụ để đo lường kiểm định mức độ tiêu tốn carbon, từ đó, đáp ứng yêu cầu xanh hóa mà các thị trường phát triển đặt ra.
"Trong hai năm 2023, 2024, lĩnh vực dệt may đã chi ra khoảng 200 triệu USD để thực hiện các tiêu chí đáp ứng yêu cầu của các thị trường về việc đảm bảo các tín chỉ carbon, xanh hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tiêu thụ các sản phẩm dệt may", ông Thịnh nhấn, đây là bài học rất đắt giá.
Từ bài học đó, theo vị chuyên gia, chúng ta phải nắm bắt ngay được yêu cầu của thị trường và phải nhanh chóng thay đổi mình để thích ứng các đòi hỏi của thị trường đang ngày càng hướng đến bảo vệ môi trường, đảm bảo tiêu dùng xanh cũng như các hoạt động xanh hóa trong điều kiện chung mà cả thế giới đang hướng đến.
Dtrở thành xuất khẩu hộ
Dù ghi nhận 9 năm liên tiếp xuất siêu, thế nhưng, ông Thịnh lo lắng, nếu chúng ta không chủ động được nguồn nguyên nhiên vật liệu, không có kế hoạch để gia tăng nội địa hóa các sản phẩm, thì dễ trở thành xuất khẩu hộ. Bởi lẻ, 70% giá trị xuất khẩu của Việt Nam hiện nay xuất phát từ doanh nghiệp FDI.
"Vì thế, một trong những thách thức cần lưu tâm trong thời gian tới là làm sao để tăng thêm giá trị của các sản phẩm hàng hóa Việt Nam? Làm sao để có thể nội địa hóa được nguồn nguyên nhiên vật liệu, công nghệ, thiết bị đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất, xuất khẩu?", ông Thịnh đặt vấn đề và cho rằng, khi đó hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam mới mang lại được hiệu quả thực tế.
Hồng Hạnh
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/xuat-nhap-khau-lap-ky-luc-moi-nhin-lai-nhung-bai-hoc-dat-gia-192241224074308138.htm