Theo Bộ Công Thương, xuất nhập khẩu năm 2024 dự kiến đạt 783 tỉ đô la Mỹ. Ảnh: Trung Chánh
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho hay, kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 403 tỉ đô la Mỹ, tăng 13,6% so với năm 2023 với sự phục hồi tích cực của các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, TTXVN đưa tin.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của các nhóm hàng nông lâm thủy sản và công nghiệp chế biến, với mức tăng lần lượt là 20,6% và 14,3%, đã đóng góp đáng kể vào thành tích xuất khẩu chung của cả nước.
Theo thống kê, khu vực thị trường châu Á - châu Phi tiếp vẫn là thị trường lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch hai chiều ước đạt 519,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 13,7% so với năm 2023, chiếm 66,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 197,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,4%, nhập khẩu ước đạt 322,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 17,2% còn nhập siêu 124,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 34,6%.
Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đang ngày càng đa dạng và hiện đại, với sự gia tăng của các sản phẩm công nghiệp chế biến. Nhóm hàng này là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của cả nước, chiếm tới gần 85% tổng kim ngạch với sự phục hồi các ngành công nghiệp chủ lực như điện tử, máy móc, dệt may
Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, nhờ triển khai đồng bộ các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế và tận dụng hiệu quả các FTA, Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và thu hút đầu tư.
Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 119,7 tỉ đô la Mỹ, tăng trưởng ấn tượng 23,4% so với năm trước. Các thị trường lớn khác như EU, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao, lần lượt là 18,3%, 13,6%, 8,6% và 5,5%.
Theo Bộ Công Thương, năm nay, dự kiến quy mô của thị trường thương mại điện tử sẽ vượt 25 tỉ đô la Mỹ, tăng khoảng 20% so với năm 2023.
Mặc dù thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ nhưng việc kiểm soát hàng giả, hàng nhái và các hành vi vi phạm trên nền tảng này vẫn là một thách thức lớn đối với cơ quan quản lý. Sự phức tạp của mô hình kinh doanh này, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đã đặt ra những yêu cầu mới về khung pháp lý.
Năm 2025, Bộ Công Thương sẽ tập trung xây dựng Luật Thương mại điện tử nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thúc đẩy phát triển bền vững của thị trường này.
Ngoài ra, bộ sẽ hoàn thiện và trình Thủ tướng ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển Thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026-2030 và giải quyết các vướng mắc hiện tại để thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ.
Gia Nghi