Xuất siêu 5,18 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2025: Ngành nông nghiệp khởi sắc

Xuất siêu 5,18 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2025: Ngành nông nghiệp khởi sắc
6 giờ trướcBài gốc
Tháng 4/2025, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 5,47 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu xuất khẩu gia tăng đáng kể
Bốn tháng đầu năm 2025, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng ngành nông nghiệp và môi trường vẫn đạt được những thành tựu ấn tượng. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Môi trường tháng 4/2025, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 5,47 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu nông sản chính đạt khoảng 3,1 tỷ USD, tăng 11,6%; xuất khẩu lâm sản chính đạt gần 1,36 tỷ USD, giảm 6,6%; xuất khẩu thủy sản đạt 774 triệu USD, giảm 0,2%; xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 50,2 triệu USD, tăng 20%; xuất khẩu đầu vào sản xuất đạt 190 triệu USD, tăng 33,1%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, tất cả các nhóm hàng xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái, đưa kim ngạch xuất khẩu toàn ngành lên con số 21,15 tỷ USD, tăng 10,7%. Trong đó, xuất khẩu nông sản đạt 11,6 tỷ USD, tăng 11,7%; xuất khẩu lâm sản đạt 5,56 tỷ USD, tăng 11,2%; xuất khẩu thủy sản đạt 3,09 tỷ USD, tăng 13,7%; xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 178 triệu USD, tăng 16,8%; xuất khẩu đầu vào sản xuất đạt 722 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bốn tháng đầu năm, có 6 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 2 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD và hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm ngoái.
Bốn tháng đầu năm 2025, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang một số châu lục và thị trường tăng mạnh.
Cụ thể, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5,2 tỷ USD, tăng 5,8%; xuất khẩu cà-phê đạt 3,78 tỷ USD, tăng 51,1%; xuất khẩu cao-su đạt 862 triệu USD, tăng 18,9%; xuất khẩu tôm đạt 1,24 tỷ USD, tăng 28,4%. Riêng xuất khẩu gạo đạt 1,75 tỷ USD, giảm 14,3% và xuất khẩu rau quả đạt 1,62 tỷ USD, giảm 14,2%.
Giá xuất khẩu bình quân một số nông sản tăng trên 2 con số. Cụ thể, giá cà-phê đạt 5.698 USD/tấn, tăng 67,5%; giá cao-su đạt 1.935 USD/tấn, tăng 30,2%; giá hạt tiêu đạt 6.893 USD/tấn, tăng 62,5%; giá hạt điều đạt 6.808 USD/tấn, tăng 27%. Riêng giá gạo đạt 514 USD/tấn, giảm 20%; giá chè đạt 1.608 USD/tấn, giảm 2,2%;...
Về thị trường, 4 tháng đầu năm 2025, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang một số châu lục và thị trường tăng mạnh. Trong đó, xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ đạt 4,83 tỷ USD, tăng 12,6%; châu Âu đạt 3,48 tỷ USD, tăng 37,7%; châu Phi đạt 648 triệu USD, tăng 78,4%; riêng châu Á đạt 8,82 tỷ USD, giảm 1,3% và châu Đại Dương đạt 263 triệu USD, giảm 2,6%.
Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất, trong đó, giá trị xuất khẩu sang Mỹ chiếm tỷ trọng 20,5%, tăng 10,2%; Trung Quốc chiếm 17,1%, giảm 1,1% và Nhật Bản chiếm 7,5%, tăng 23,3%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu 4 tháng đầu năm của ngành nông nghiệp và môi trường đạt con số 15,97 tỷ USD, tăng 16,6%. Trong đó, nông sản đạt 10,17 tỷ USD, tăng 18,4%; sản phẩm chăn nuôi đạt 1,39 tỷ USD, tăng 27,8%; thủy sản đạt 1,02 tỷ USD, tăng 29%; lâm sản đạt 943 triệu USD, tăng 20,2%; đầu vào sản xuất đạt 2,44 tỷ USD, tăng 0,3%; muối đạt 10,6 triệu USD, giảm 12,3%. Như vậy, toàn ngành xuất siêu khoảng 5,18 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường, giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản từ châu Mỹ tăng 13,5%, đạt 3,995 tỷ USD; châu Á tăng 12,5%, đạt 4,738 tỷ USD; châu Âu tăng 11%, đạt 665 triệu USD và châu Phi tăng 87,9%, đạt 403 triệu USD; châu Đại Dương tăng 2,1%, đạt 556 triệu USD.
Chiến lược tăng trưởng ngành nông nghiệp
Chia sẻ về những chiến lược ngành nông nghiệp đang triển khai để duy trì đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm ông Trần Gia Long, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã đưa ra 7 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, bao gồm hoàn thiện thể chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, và xúc tiến thương mại nhằm mở cửa thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, bộ sẽ chú trọng đến việc phát triển thị trường trong nước và kiểm soát giá cả, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Riêng với nhiệm vụ, giải pháp về thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu, ông Trần Gia Long cho biết, bộ sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường, đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường truyền thống, các thị trường có tổng kim ngạch xuất khẩu lớn như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nga, Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc....
Ông Trần Gia Long, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết ngành nông nghiệp và môi trường đang triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng ngành từ nay đến cuối năm.
Đồng thời, mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng (thực phẩm Halal của các nước Hồi giáo, Trung Đông, châu Phi...) với phương châm đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, góp phần từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới phía bắc. Nâng cao hiệu quả công tác đàm phán, mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại, xử lý các vấn đề trong thương mại.
Đối với thị trường trong nước, bộ sẽ có lộ trình, phương án rõ ràng đẩy mạnh tiêu thụ nội địa đối với những sản phẩm có tính thời vụ cao (như rau, hoa, quả), dễ bị tác động của điều kiện tự nhiên, thời tiết, làm giảm phẩm cấp, chất lượng. Có giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp.
Đồng thời, tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Bảo đảm chất lượng nông sản trong cả chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất, chế biến, thương mại đến tay người tiêu dùng trong nước và thị trường nước ngoài.
THANH TRÀ
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/xuat-sieu-518-ty-usd-trong-4-thang-dau-nam-2025-nganh-nong-nghiep-khoi-sac-post877629.html