NSND Quốc Hưng cho biết, anh rất xúc động khi được đứng trên sân khấu sang trọng lớn nhất Kazakhstan cất lên những câu hát mời bạn bè quốc tế đến với quê hương Việt Nam tươi đẹp
Sự kiện là minh chứng sống động cho vai trò của nghệ thuật trong việc kết nối con người, lan tỏa thông điệp hòa bình và hợp tác phát triển giữa hai quốc gia.
Chương trình hòa nhạc hữu nghị Việt Nam – Kazakhstan được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Tô Lâm và phu nhân Ngô Phương Ly thăm cấp Nhà nướcKazakhstan, với sự tham dự của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev.
Khi nghệ thuật là sứ giả hòa bình
Đây là lần đầu tiên một sự kiện âm nhạc tầm cỡ quốc tế giữa hai nước được tổ chức tại Astana với sự góp mặt của gần 200 nghệ sĩ, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong giao lưu văn hóa song phương.
Chương trình do Bộ VHTTDL Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa và Thông tin Kazakhstan tổ chức. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Việt Nam Tạ Quang Đông trực tiếp phụ trách kịch bản tổng thể chương trình.
Với vai trò Phó Giám đốc phụ trách Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, NSND Quốc Hưng dẫn dắt gần 60 nghệ sĩ tài năng từ các đơn vị nghệ thuật hàng đầu như Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch TP.HCM.
Trong đó phải kể đến các nghệ sĩ tên tuổi thuộc dàn nhạc giao hưởng như: NSƯT Trọng Bình, NSƯT Trường Sơn, NSƯT Quốc Trung, Quốc Bảo, nhạc trưởng Trần Nhật Minh và giọng nữ cao Phạm Khánh Ngọc…
Bên cạnh đó là những nghệ sĩ trẻ tài năng đang học tập và làm việc tại châu Âu như Ninh Đức Hoàng Long (hiện là solist của Nhà hát Opera quốc gia Hungary) và nữ nghệ sĩ đàn Harp Bảo Trâm (hiện đang học tập tại Saint-Peterburg, CHLB Nga)
Đặc biệt, NSND Bùi Công Duy còn là Giáo sư danh dự của Trường Đại học Nghệ thuật Quốc gia Kazakhstan cùng NSND Quốc Hưng (giọng nam trầm) đã đưa tinh thần Việt Nam thăng hoa trên sân khấu quốc tế.
Về phía Kazakhstan, có 110 nghệ sĩ tham gia, trong đó nòng cốt là các nghệ sĩ trong Dàn nhạc (30 người) và Dàn hợp xướng (80 người) thuộc Nhà hát Opera và Ballet quốc gia Astana. Đáng chú ý, “siêu sao quốc tế” Dimash Qudaibergen – niềm tự hào của Kazakhstan cũng góp mặt, biểu diễn hai tiết mục đặc sắc Người lạ và Adai.
Tâm điểm của chương trình là bản Giao hưởng số 9 của Beethoven – tuyệt phẩm được ví như “Quốc ca của nhân loại” với thông điệp về nhân sinh và khát vọng hòa bình.
Với sự kết hợp của 200 nghệ sĩ, trong đó có 4 solist: NSƯT Phạm Khánh Ngọc, NSƯT Oksana Davydenko, NSƯT Talgat Musabaev và Ninh Đức Hoàng Long.
Bản giao hưởng đã thực sự trở thành lời ca chung của hai dân tộc về khát vọng một thế giới hòa bình, phát triển và đoàn kết.
Tinh hoa âm nhạc Việt Nam vang vọng thế giới
Nổi bật trong chương trình là tiết mục độc tấu đàn bầu cùng dàn nhạc dân tộc do NSƯT Bùi Lệ Chi thể hiện mang tên Đối thoại - tác phẩm của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân.
Âm sắc đặc trưng của đàn bầu - linh hồn dân tộc Việt vang lên giữa không gian nhà hát tráng lệ tại Astana như khắc họa bản sắc văn hóa sâu đậm.
NSND Quốc Hưng với phần trình diễn ca khúc Việt Nam quê hương tôi của nhạc sĩ Đỗ Nhuận với bản phối khí cho dàn nhạc giao hưởng của nhà soạn nhạc Trần Mạnh Hùng đã khiến cả khán phòng lắng đọng trong giai điệu da diết.
Các nghệ sĩ tham gia chương trình hòa nhạc hữu nghị Việt Nam – Kazakhstan
NSND Quốc Hưng cho biết, anh rất xúc động khi được đứng trên sân khấu sang trọng lớn nhất Kazakhstan cất lên những câu hát mời bạn bè quốc tế đến với quê hương Việt Nam tươi đẹp để tận hưởng những di sản thiên nhiên, văn hóa truyền thống, sự thân thiện của con người và một đất nước năng động đang trên đà phát triển và luôn ngập tràn hạnh phúc.
NSND Bùi Công Duy cũng ghi dấu với bản Concerto dành cho violin của nhà soạn nhạc Felix Mendelssohn. Đây là màn trình diễn đẳng cấp mang đến ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả quốc tế về tài năng nghệ thuật bác học của Việt Nam.
Chia sẻ sau khi trở về từ chuyến lưu diễn, NSND Quốc Hưng xúc động cho biết: “Buổi biểu diễn có thể nói là vô cùng thành công. Chúng tôi đã luyện tập kỹ lưỡng và phối hợp nhuần nhuyễn với các nghệ sĩ Kazakhstan. Tuy ban đầu có hồi hộp, nhưng khi âm nhạc cất lên, tất cả tan biến, chỉ còn lại sự thăng hoa.
Sự kiện không chỉ dừng lại ở một buổi biểu diễn, mà còn mở ra một cánh cửa rộng lớn cho sự phát triển hợp tác văn hóa, nghệ thuật, giáo dục giữa hai quốc gia. Đó là nơi nghệ thuật làm cầu nối, âm nhạc làm ngôn ngữ chung, và tinh thần nhân văn được lan tỏa qua từng giai điệu”.
MINH HÀ
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/nghe-thuat/xuc-dong-hat-viet-nam-que-huong-toi-moi-ban-be-quoc-te-den-voi-viet-nam-131610.html