Xúc động lễ hội tôn vinh chữ Hiếu 'Bách thiện hiếu vi tiên'

Xúc động lễ hội tôn vinh chữ Hiếu 'Bách thiện hiếu vi tiên'
21 giờ trướcBài gốc
Ngày 3-4 (ngày 6 tháng ba âm lịch), Lễ hội "Bách thiện hiếu vi tiên" tôn vinh chữ Hiếu trong văn hóa truyền thống của người Việt đã diễn ra tại Đền Cô Bé Ngai Vàng, Sóc Sơn, Hà Nội. Đây là dịp tri ân công lao sinh thành, dưỡng dục của các bậc cha mẹ.
Thực hiện nghi thức tri ân đấng sinh thành tại lễ hội
Lễ hội được tổ chức vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và trong tháng ba - tháng Tiệc Mẫu của tín ngưỡng thờ Mẫu - đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Chia sẻ tại lễ khai hội, GS sử học Lê Văn Lan cho rằng, lễ hội "Bách thiện hiếu vi tiên" đã đưa nội hàm chữ hiếu vào nội hàm tín ngưỡng thờ mẫu tam, tứ phủ của người Việt. Đây là ý nghĩa rất lớn và nên được lan tỏa, nhân rộng.
TS Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, nhấn mạnh chữ Hiếu, đạo Hiếu cần được nhắc nhở, lưu tâm
TS Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, nhấn mạnh trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi các hệ giá trị bị đảo lộn, có nhiều vấn đề, đặc biệt với lớp trẻ, việc phát huy nêu cao chữ Hiếu đặc biệt có ý nghĩa. Chữ Hiếu, đạo Hiếu cần được nhắc nhở, lưu tâm, chữ Hiếu là điều kiện cần thiết để gia đình ổn định, xã hội phát triển bền vững. Lễ hội này thể hiện một tinh thần đẹp của dân tộc Việt Nam, chạm tới mong muốn nguyện ước của nhiều người.
PGS-TS Đặng Thu Thủy, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi các hệ giá trị bị đảo lộn, có nhiều vấn đề, đặc biệt với lớp trẻ, việc phát huy nêu cao chữ Hiếu đặc biệt có ý nghĩa. Chữ Hiếu, đạo Hiếu cần được nhắc nhở, lưu tâm, đây chính là điều kiện cần thiết để gia đình ổn định, xã hội phát triển bền vững.
Lễ hội "Bách thiện hiếu vi tiên" tôn vinh chữ Hiếu trong văn hóa truyền thống của người Việt
"Lễ hội chạm tới mong muốn nguyện ước của nhiều người, nhiều bậc làm cha mẹ. Tôi mong các bạn sẽ thể hiện tình yêu với cha mẹ mà nhiều khi các bạn giữ kín trong lòng"- PGS-TS Đặng Thu Thủy nói.
Đây là năm thứ 3 lễ hội được tổ chức, nhằm góp phần làm sống lại truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Đây cũng là thời điểm nhắc người Việt tri ân các đấng sinh thành, tôn vinh các giá trị đạo đức, lịch sử, văn hóa.
Lễ hội có các tiết mục văn nghệ tôn vinh văn hóa, lịch sử Việt Nam do các ca sĩ Anh Thơ, Vũ Thắng Lợi, Lê Anh Dũng biểu diễn. Điểm nhấn của lễ hội là nghi thức tri ân cha mẹ, trong đó nhiều người đưa cha mẹ mình đến tham dự lễ hội sẽ bày tỏ lòng kính trọng, yêu quý, biết ơn công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.
Các bậc cha mẹ nhận tri ân của các con trong lễ hội
Theo thầy Huyền Tích, thủ nhang Đền Cô Bé Ngai Vàng, sự kiện không chỉ là dịp để tri ân cha mẹ mà còn là một ngày để mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, học hỏi và hiểu rõ hơn về chữ Hiếu, giá trị gia đình, lòng yêu thương sẻ chia.
Lễ hội cũng sẽ giúp kết nối cộng đồng, tạo ra một không gian ấm áp, đầy ý nghĩa, để mỗi người nhớ về cội nguồn và trân trọng những gì mình đang có.
Lễ hội không chỉ có các nghi thức truyền thống, mà còn mở rộng với các hoạt động nghệ thuật như tổ chức thi sáng tác thơ ca, nhằm tôn vinh những nhân vật hiếu thảo trong lịch sử Việt Nam.
Trong số các tiết mục văn nghệ, có những bài hát được yêu thích như: "Đạo hiếu Việt Nam", "Bách thiện hiếu vi tiên"… với đa dạng chất liệu âm nhạc, từ hiện đại đến truyền thống như pop ballad, dân ca đương đại, xẩm hay âm điệu Tây Bắc.
Thông qua cuộc thi sáng tác thơ, Ban tổ chức kỳ vọng sẽ xây dựng những câu chuyện về lòng hiếu thảo của người Việt, từ đó nâng cao ý thức về đạo hiếu trong xã hội hiện đại.
Yến Anh
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/xuc-dong-le-hoi-ton-vinh-chu-hieu-bach-thien-hieu-vi-tien-196250403150438275.htm