Triển lãm nhằm khơi gợi lòng yêu nước và khát vọng hòa bình trong Nhân dân, đặc biệt là giới trẻ. (Ảnh: Nam Nguyễn/Vietnam+)
Chiều 23/4, Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức trưng bày chuyên đề “Đất nước trọn niềm vui” hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Trong số các hiện vật trưng bày có bức chân dung Bác Hồ bằng máu của họa sỹ Lê Duy Ứng. Năm 1971, khi đang là sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, ông tham gia quân ngũ theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước.
Năm 1975, chỉ ít ngày trước khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất, trong một cuộc chiến khốc liệt ở cửa ngõ Sài Gòn, họa sỹ Lê Duy Ứng đã bị thương nặng, hỏng đôi mắt.
Họa sỹ Lê Duy Ứng và phiên bản của bức chân dung Bác Hồ vẽ bằng máu. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Trong những phút tỉnh táo trước khi ngất đi vì vết thương quá nặng, họa sỹ Lê Duy Ứng đã lấy máu từ đôi mắt của mình để vẽ nên chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hay như bức ảnh “Đoàn tụ ngày giải phóng” của nhiếp ảnh gia Lâm Hồng Long, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Bức ảnh ghi lại giây phút xúc động của người tử tù Lê Văn Thức đang ôm người mẹ của mình là bà Trần Thị Bính tại căn cứ Rạch Dừa, Vũng Tàu, vào ngày 5/5/1975, sau khi ông trở về từ địa ngục trần gian Côn Đảo.
Theo Tiến sỹ Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, với hơn 300 ảnh, tài liệu, hiện vật, trưng bày giới thiệu tới công chúng về hành trình vinh quang đưa cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc Việt Nam đến thắng lợi huy hoàng, non sông thu về một mối. Qua đó, khơi dậy hào khí của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần bồi đắp niềm tin của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong kỷ nguyên phát triển mới.
Trong số tư liệu, hiện vật trưng bày có bức ảnh "Đoàn tụ ngày giải phóng" của nhiếp ảnh gia Lâm Hồng Long. (Ảnh: Nam Nguyễn/Vietnam+)
Nội dung trưng bày chia thành 3 phần.
Phần I “Khát vọng hòa bình” điểm lại bối cảnh lịch sử từ Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 đến cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ và Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Phần II “Đại thắng mùa Xuân năm 1975” tái hiện cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngày 30/4/1975, sau 55 ngày đêm tiến công và nổi dậy, quân và dân ta đã đập tan bộ máy ngụy quyền do Mỹ dựng lên, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Phần III “Việt Nam vươn tới những tầm cao” mở ra thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc: Thời kỳ độc lập, thống nhất và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đường lối Đổi mới được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 12/1986 đề ra đã đánh dấu bước ngoặt cơ bản trong sự nghiệp phát triển của Việt Nam. Đổi mới đã làm thay đổi bộ mặt, vị thế của đất nước, kinh tế tăng trưởng, văn hóa phát triển, xã hội ngày càng trở nên năng động và có bước chuyển mình kỳ diệu.
Trưng bày chuyên đề mở cửa đón khách tham quan tại Bảo tàng Hồ Chí Minh từ ngày 23/4 đến ngày 10/8./.
Tiến sỹ Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh khai mạc triển lãm. (Ảnh: Nam Nguyễn/Vietnam+)
(Vietnam+)