Quảng Trị - mảnh đất gánh nhiều đau thương mất mát trong chiến tranh, nơi có nghĩa trang liệt sĩ quốc gia lớn nhất cả nước những ngày này tấp nập dòng người đổ về để tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ.
Trong không gian lộng gió, khói hương và nước mắt xúc động là những gì tôi cảm nhận được ở nơi này. Tại đây, tôi bắt gặp hình ảnh những người cựu chiến binh nghẹn ngào đến các ngôi mộ, nhẹ nhàng lau lên tấm bia, thầm gọi tên người đồng đội đã vướng “hòn tên mũi đạn” của kẻ thù, mãi mãi nằm lại nơi đất mẹ.
Đoàn công tác Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Bắc Giang viếng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.
“Đứng trước hàng nghìn ngôi mộ, tôi nhớ đến những người chỉ đêm hôm trước còn cùng ăn cùng ngủ với mình, vậy mà hôm sau đã hy sinh. Giờ người thì nằm đây, người thì không biết nằm đâu trong hàng nghìn nấm mộ chưa xác định được thông tin”- cựu chiến binh Nguyễn Văn Sử, thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) nghẹn ngào.
Bao nhiêu năm đã đi qua trận đánh khốc liệt 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (năm 1972) nhưng ký ức về một cuộc chiến khốc liệt vẫn còn in đậm trong tâm khảm của cựu chiến binh Cao Chức, Phó Chủ tịch Thường trực Hội chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972 tỉnh Bắc Giang. Đứng bên tượng đài chạm khắc 81 phù điêu tượng trưng cho 81 ngày đêm chiến đấu chống quân thù, ông lặng đi khi nghĩ đến sự hy sinh của những người lính trong cuộc chiến khốc liệt này. Không cầm được sự xúc động, đôi mắt ông đỏ hoe.
Ông kể: "Trong trận chiến 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị, cấp trên phát động toàn đơn vị đánh địch. Quân ta án ngữ ở phía Đông sông Thạch Hãn, địch có một tiểu đoàn thủy quân lục chiến ở đó. Đơn vị của tôi khi đó là Đại đội 20 trinh sát đặc công Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2, nay là Quân đoàn 12) được giao nhiệm vụ bằng mọi giá phải bắt được tù binh. Để thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi phải bơi qua sông giữa làn mưa bom của kẻ thù. Hôm đó là một ngày tháng 7, nước sông Thạch Hãn bất ngờ dâng cao, hầm chỉ huy và hầm mà thương binh ta trú ẩn chìm sâu trong nước. Anh em lính mới có người không biết bơi hoặc bị thương nên không thể đến được nơi an toàn. Nhiều đồng chí đã hy sinh. Tôi không nghĩ là mình còn sống".
Cựu chiến binh, người dân đến viếng các Anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị.
Dự lễ cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sĩ, thả hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn, ông Đỗ Văn Quý, Chủ tịch Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Bắc Giang và đoàn công tác rất xúc động khi nghe về trận chiến ở Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm. Mỗi lá cây ngọn cỏ tại Thành cổ đều thấm đẫm máu xương của cha anh để cho dòng sông Thạch Hãn hôm nay chảy êm đềm. Là lớp cựu chiến binh đi sau, được sống trong hòa bình độc lập, yên bình, ấm no, đó là hạnh phúc lớn lao. Thay mặt đoàn công tác, ông Đỗ Văn Quý lặng lẽ thắp nén hương thơm trước Đài tưởng niệm để tưởng nhớ và tri ân các liệt sĩ.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, bà Dương Thị Quang, phường Trần Phú, thành phố Bắc Giang - cựu nữ thanh niên xung phong đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh - vẫn không nguôi nhớ về người anh trai - liệt sĩ Dương Ngọc Thắng.
“Năm 1968, khi vừa 18 tuổi, anh tôi nhận được giấy báo trúng tuyển đại học cùng với giấy gọi nhập ngũ. Chiến trường khốc liệt nhưng anh vẫn chọn đi bộ đội. Đằng đẵng 7 năm anh không về, cả nhà thắc thỏm mong ngóng. Đến cuối tháng 2/1975, trước ngày Sài Gòn giải phóng chỉ hơn 2 tháng, anh tôi đã anh dũng hy sinh khi chưa có mối tình nào”.
Bà Dương Thị Quang (bên phải) cầu mong tìm được mộ anh trai Dương Ngọc Thắng hy sinh năm 1975.
Vào Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang đường 9 cùng với Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Giang giữa những ngày tháng Tư, bà Quang nén xúc động, lặng lẽ đi giữa những ngôi mộ. “Lần nào vào Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, tôi cũng ước được nhìn thấy ngôi mộ có tên của anh -Liệt sĩ Dương Ngọc Thắng, xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, vậy mà không thấy”. Rồi bà nức nở gọi tên: "Anh Thắng ơi, anh ở đâu thì hiện về, đất nước thống nhất đã 50 năm rồi mà vẫn chưa tìm thấy mộ anh?".
Là một trong số 40 cựu chiến binh, những nhân chứng lịch sử tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh được UBND tỉnh Bắc Giang mời tham quan Thành phố Hồ Chí Minh dịp cuối tháng 3 vừa qua, ông Thân Quang Điệp ở tổ dân phố Đức Liễn, phường Hồng Thái, thị xã Việt Yên vô cùng xúc động.
Ông nhớ trưa 30/4/1975, thời khắc miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông đang có mặt tại tỉnh Thừa Thiên-Huế trong đội hình của Trung đoàn 6 Phú Xuân. Người dân đổ ra đường rất đông, họ níu bộ đội để ngắm, để cảm ơn, chia sẻ niềm vui thống nhất đất nước. Họ mời bộ đội về nhà ăn cơm, xin ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc để treo.
Được theo đoàn công tác của Ban Liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2, nay là Quân đoàn 12) đến tỉnh Đồng Nai dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng huyện Long Thành, cựu chiến binh Vũ Văn Tuấn, phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang được gặp lại những người đồng đội cũ sau mấy mươi năm xa cách.
Chia sẻ niềm xúc động đó, ông tâm sự: "Thú thật, nếu Ban Liên lạc Trung đoàn không tổ chức thì chúng tôi không có dịp được trở lại nơi này. Dù không được khỏe nhưng tôi cũng cố gắng đi. Vào đây, gặp đồng đội, cùng ôn lại kỷ niệm của người lính một thời, vô cùng hạnh phúc. Vui hơn nữa là tôi gặp được gia đình ông Nguyễn Văn Thành - người đã sẵn sàng dẫn đường cho bộ đội ta tiến vào giải phóng huyện Long Thành vào ngày 28/4/1975".
Qua những chuyến đi về nguồn dịp này, ai cũng thấy rằng để có hòa bình như hôm nay, đất nước ta, dân tộc ta, Nhân dân ta đã phải đánh đổi bằng nhiều máu và nước mắt... Máu xương của các anh hùng liệt sĩ, thương binh thấm vào lòng đất mẹ, tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc. Họ đã hy sinh, để lại một phần thân thể nơi chiến trường để cho chúng ta được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, ấm no và hạnh phúc như hôm nay. Chúng ta mãi mãi khắc ghi công ơn của những người đã chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Bài, ảnh: Thu Phong