Xứng danh 'thành phố nghĩa tình'

Xứng danh 'thành phố nghĩa tình'
9 giờ trướcBài gốc
Tinh thần "uống nước nhớ nguồn", "đền ơn đáp nghĩa" không chỉ là trách nhiệm mà còn là biểu tượng của lòng tri ân, đạo lý sâu sắc của một đô thị hiện đại nhưng không quên cội nguồn.
Suốt 50 năm qua kể từ ngày đất nước thống nhất, TP HCM nói riêng và cả nước nói chung đã triển khai nhiều chính sách thiết thực để tri ân và chăm lo cho những người có công với cách mạng, những liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công và thân nhân họ. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là đạo lý "uống nước nhớ nguồn" - một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.
Tại TP HCM, cùng với việc thực hiện tốt các chế độ theo quy định, chính sách ưu đãi đối với người có công luôn được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể, cộng đồng xã hội và đã đạt nhiều kết quả, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần đối với mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; bảo đảm chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
TP HCM đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: Tìm kiếm mộ liệt sĩ; hoàn thiện hồ sơ chính sách; xây nhà, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm người có công luôn được quan tâm suốt đời. Với các Mẹ Việt Nam Anh hùng, ngoài chính sách chung, TP HCM còn hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng/mẹ từ ngân sách địa phương. TP HCM cũng là địa phương đầu tiên của cả nước tiến hành thu thập mẫu ADN thân nhân liệt sĩ chưa xác định danh tính (từ tháng 7-2024).
Đặc biệt, dịp lễ 30-4, TP HCM đã tổ chức đón tiếp các đại biểu là cán bộ, chiến sĩ và những người trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh - Đại thắng mùa xuân 1975 từ các tỉnh, thành trên cả nước về thăm thành phố...
Nhìn ở góc độ một đô thị đông dân nhất nước, có thể thấy việc duy trì và phát triển chính sách đền ơn đáp nghĩa là điều không dễ. Thế nhưng, TP HCM vẫn luôn xác định việc chăm lo không chỉ là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là trách nhiệm, mà còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Qua đó, khơi dậy truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng hào hùng; đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây" trong các tầng lớp nhân dân, thế hệ hôm nay và mai sau. Việc này cho thấy bản lĩnh của một đô thị nghĩa tình, cũng là minh chứng cho sự phát triển bền vững dựa trên nền tảng đạo lý vững chắc.
Một thành phố văn minh không chỉ được đo bằng những tòa nhà chọc trời hay các đường phố hiện đại, kinh tế phát triển mà còn bằng cách thành phố ấy đối xử với ký ức, với những người từng âm thầm vun đắp cho hôm nay thế nào. Với sự chăm lo cho người có công bằng cả trách nhiệm, trái tim và đạo lý "uống nước nhớ nguồn", TP HCM đã và đang tạo dựng một nét văn hóa tử tế, nhân văn; khắc họa thêm hình ảnh một đô thị không chỉ lớn về quy mô mà còn lớn cả về lòng nhân ái, xứng danh là "thành phố nghĩa tình".
Đó cũng là lời nhắn nhủ đầy ý nghĩa đến thế hệ trẻ - những người đang trưởng thành trong thời bình, rằng cuộc sống hôm nay có được là nhờ cái giá đắt đỏ mà cha ông ta đã trả bằng máu xương. Để từ đó, mỗi người biết trân trọng hơn những gì đang có, sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng; biết gìn giữ, lan tỏa lòng biết ơn như một nền tảng bền vững cho sự phát triển lâu dài của thành phố.
Theo TỐ TRÂM (NLĐO)
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/xung-danh-thanh-pho-nghia-tinh-post320425.html