Hàng rào điện Kikorongo-Kasese như đã giới thiệu ở phần 1 là một đoạn dài 22,8 km được xây dựng như một phần của sáng kiến để tránh xung đột người dân với động vật hoang dã tại Công viên quốc gia Queen Elizabeth. Điện ở hàng rào hoàn toàn được cung cấp năng lượng bởi các tấm pin mặt trời, truyền xung điện thông qua một dòng điện xung lý tưởng để bất kỳ động vật nào chạm vào nó có cơ hội rút lui trước khi cú giật tiếp theo xảy ra.
Với cơ chế xung điện như vậy thì hàng rào sẽ không khiến các loài động vật hoang dã bị mất mạng vì điện giật. Thay vào đó, chỉ là những cú giật đủ để chúng "sợ đến già". Lâu dài thì hàng rào sẽ tạo ra cho động vật hoang dã phản xạ có điều kiện là không lại gần các khu vực của con người.
Hàng rào lông nhím để đối phó với voi
Ở một số nơi, voi đã nhận ra được rằng ngà của chúng không dẫn điện và do đó có thể chúng dùng ngà để cắt đứt dây điện. Có thể thấy voi là loài động vật rất thông minh. Để đối phó với sự khéo léo của loài voi, người ta phải lắp những thanh dài một mét nhô ra khỏi hàng rào kiểu lông nhím là một đối sách kỹ thuật.
Selvest Masereka, nhân viên của Cơ quan Động vật hoang dã Uganda (UWA) cho biết việc xây dựng hàng rào là một trong những việc phổ biến nhất mà cơ quan và các đối tác của họ từng làm cho người dân quanh đây. Masereka khẳng định: “Người dân không phải lo lắng rằng ruộng vườn của họ sẽ bị động vật hoang dã phá hủy. Chúng ta cũng không còn phải trả tiền thuê người trông chừng nữa”. Người trông chừng ở đây không chỉ ngăn động vật hoang dã phá ruộng vườn mà còn ngăn người dân tấn công động vật hoang dã xâm nhập vào đất của họ.
Tuyên bố của Masereka phù hợp với dữ liệu mà Space for Giants thu thập được trong một cuộc khảo sát để đánh giá hiệu quả của hàng rào. Tại khu vực nơi đoạn hàng rào đầu tiên được xây dựng, gần 90% số người được hỏi cho biết tình trạng phá hoại ruộng vườn đã chấm dứt. Khoảng một nửa cho biết tình trạng này hiệu quả đến mức quan điểm của họ về loài voi đã chuyển từ tiêu cực sang tích cực.
Tsuubira cho biết: "Ở một số cộng đồng, họ thậm chí còn nói rằng giờ đây có thể tăng sự hiện diện của voi trong công viên; rằng họ yêu loài động vật này, họ giải thích: ‘Vấn đề duy nhất mà chúng tôi gặp phải với động vật hoang dã là chúng ảnh hưởng đến sinh kế của chúng tôi’. Thái độ của cộng đồng đối với các loài động vật trong công viên liên quan đến những xung đột mà người dân phải đối mặt với chúng".
Ở những nơi được hứa xây dựng hàng rào điện nhưng vẫn chưa khởi công, mọi người thậm chí còn đề nghị sẽ tham gia lao động không lấy công để hàng rào sớm được đưa vào hoạt động. Ở một số khu vực được hàng rào điện bảo vệ, giá đất hiện đã tăng gấp đôi.
Hàng rào không điện khó lòng cản bước voi
Những hàng rào điện đang chứng tỏ là một cách hiệu quả để quản lý xung đột giữa con người và động vật hoang dã, nhưng giá xây lắp không hề rẻ. Chương trình Space for Giants tiết lộ chi phí xây dựng đoạn rào đầu tiên từ 8.000 đến 10.000 USD cho mỗi km. Sau khi UWA tiếp quản dự án và tự chủ triển khai quy trình mua sắm nhân công và vật liệu, chi phí đã bị đội lên tới 15.000 USD. Cho đến nay, hơn 65 km hàng rào đã được xây dựng tại các điểm nóng xung quanh Công viên quốc gia Queen Elizabeth. Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới và EU, UWA cơ có kế hoạch tăng gấp đôi con số đó.
Kiểu bảo vệ nhờ rào điện tại Công viên quốc gia Queen Elizabeth cũng chịu một số đả kích. Nhưng đối với những người nông dân sống gần công viên, đó vẫn là giải pháp tốt nhất trong hoàn cảnh hiện nay. Tuy nhiên, sâu hơn bên trong công viên, vẫn có những xung đột lợi ích chưa được giải quyết và không phải tất cả đều liên quan đến động vật hoang dã.
Một số đang âm ỉ giữa các thị trấn biệt lập và chính phủ Uganda, có nguồn gốc từ lịch sử của công viên quốc gia Queen Elizabeth. Do vậy, khi loài voi thông minh hay bất kỳ loài động vật hoang dã nào khác đều không thể phá rào thì vẫn có những đoạn rào bị phá bởi những người dân không đồng tình. Do vậy, bảo vệ động vật hoang không chỉ là xây dựng hàng rào mà phải đi vá chúng và sâu xa hơn là xây dựng được niềm tin giữa chúng ta trong sứ mệnh bảo vệ động vật hoang dã.
Anh Tú