Với những điều chỉnh chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, lần đầu tiên kể từ khi khởi phát ngày 24-2-2022, cuộc xung đột này đang đứng trước cơ hội, dù chưa thật sự chắc chắn, có được giải pháp chính trị dẫn dắt đến hồi kết.
Nga gọi cuộc xung đột trên là chiến dịch quân sự đặc biệt. Nhưng rồi nó dần lan rộng và gia tăng mức độ quyết liệt, với nhiều chủng loại vũ khí hiện đại nhất và với cách thức chiến đấu hiện đại. Lúc đầu, xung đột chỉ diễn ra trên lãnh thổ Ukraine nhưng rồi Ukraine đã đưa giao tranh sang cả lãnh thổ Nga. Hai bên đều chịu tổn thất lớn về người và của, đất nước bị tàn phá nặng nề. Cuộc khủng hoảng này làm thay đổi rất cơ bản cả châu Âu và thế giới trên nhiều phương diện.
Nga và Ukraine đối địch nhau nhưng phía sau Ukraine là cả khối phương Tây, là tiền của và vũ khí hiện đại của các quốc gia này. Bên cạnh giao tranh trên chiến trường là cuộc đối địch quyết liệt không khoan nhượng giữa phương Tây và Nga. Thế giới vì thế mà phân phe, chia phái, tác động rất mạnh tới diễn biến chính trị thế giới và quan hệ quốc tế. Xung đột còn ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế và thương mại thế giới.
Ảnh chụp hôm 20-12-2024 cho thấy thiệt hại tại thủ đô Kiev - Ukraine do một cuộc tấn công tên lửa và máy bay không người lái của Nga gây ra. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Sau 3 năm, câu hỏi về ai thắng, ai thua, ai được nhiều, mất nhiều được trả lời tùy theo giác độ nhìn nhận. Nga không đạt được mục tiêu đề ra là đánh nhanh, thắng nhanh nên cuộc xung đột mới dai dẳng chưa biết đến khi nào chấm dứt. Ukraine không hoàn toàn thất thủ trước Nga, thậm chí có thể vừa phòng thủ vừa phản công nhưng đã bị mất hơn 20% lãnh thổ vào tay Moscow.
Nga bị khối phương Tây gây sức ép bằng nhiều biện pháp bao vây, cấm vận và trừng phạt về chính trị, kinh tế, thương mại và tài chính nhưng dường như vẫn trụ vững. Ukraine kiên định chống trả Nga và nhận được sự hậu thuẫn chính trị mạnh mẽ và viện trợ tài chính, quân sự to lớn từ các đồng minh bên ngoài.
Cuộc xung đột dai dẳng suốt 3 năm qua vì bên nào cũng tự tin vào sức mạnh và tiềm lực của mình, vẫn mong muốn và tin tưởng rằng có thể đánh bại địch thủ bằng quân sự. Tình hình càng giằng co vì bên nào cũng đưa ra nhiều điều kiện tiên quyết cho hòa bình mà phía bên kia không sẵn sàng chấp nhận.
Cuộc xung đột này đã hủy hoại hoặc vô hiệu hóa gần như tất cả cơ chế, thể chế và khuôn khổ hợp tác và liên kết toàn châu lục ở châu Âu về hòa bình và an ninh. Dưới tác động của xung đột, NATO thêm lần nữa mở rộng, tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ trong thực chất đổ vỡ hoàn toàn. Nó làm sa sút vai trò và ảnh hưởng của những khuôn khổ, diễn đàn và thể chế đa phương quốc tế có sự tham gia đồng thời của Nga và các quốc gia phương Tây.
Nó mở ra cơ hội hình thành những lực lượng mới trên thế giới và tạo điều kiện cho các liên minh, liên kết đa quốc gia khác gây dựng và gia tăng vị thế. Cuộc xung đột làm sa sút vai trò của châu Âu cho dù đã đẩy châu lục này thành tâm điểm của chính trị thế giới.
Ngải Sa