Trong năm thứ ba của cuộc xung đột, Nga và Ukraine về cơ bản đã dừng lại ở tiền tuyến và một cuộc xung đột tiêu hao đang diễn ra. Liên hợp quốc cho biết, tình hình nhân đạo chung ở Ukraine đã xấu đi đáng kể kể từ tháng 2/2022. Ước tính, hơn 10 triệu người Ukraine đã phải di dời và khoảng 40% dân số Ukraine phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo.
Ngay sau khi cuộc xung đột nổ ra, Liên minh châu Âu và các đồng minh khác của Ukraine đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế sâu rộng đối với Nga. Tuy nhiên, nền kinh tế Nga đã chứng minh được sự kiên cường. Sau giai đoạn đầu suy giảm vào năm 2022, GDP của Nga đã phục hồi nhanh chóng khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thời chiến. Đồng tiền quốc gia của Nga, đồng rúp, đã phục hồi sau khi giảm xuống mức kỷ lục.
Binh lính Ukraine khai hỏa lựu pháo D30 về phía quân đội Nga gần thành phố tiền tuyến Toretsk. Ảnh: Reuters
Liên minh châu Âu và NATO không chỉ hỗ trợ Ukraine thông qua các lệnh trừng phạt đối với Nga. Chính phủ Ukraine đã nhận được viện trợ tài chính và nhân đạo. Mỹ hiện là nước đóng góp lớn nhất.
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết: “Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ an ninh cho Ukraine, bao gồm các hệ thống pháo, phòng không, xe bọc thép, các năng lực và đạn dược cần thiết khác. Chúng tôi sẽ công bố hỗ trợ an ninh bổ sung cho Ukraine trong những ngày tới, vì cuối cùng, việc ủng hộ Ukraine tại Quốc hội không thể và không nên là vấn đề đảng phái”.
Trong một thông tin gây bất ngờ truyền thông Mỹ tuần trước cho biết, lần đầu tiên Tổng thống Joe Biden cấp phép cho Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công Nga, nhưng sẽ chỉ giới hạn ở khu vực Kursk. Điện Kremlin đã có phản ứng mạnh mẽ khi cáo buộc chính quyền Tổng thống Joe Biden làm tình hình leo thang.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Quan điểm của Tổng thống Vladimir Putin và quan điểm của phía Nga đã được người đứng đầu nhà nước của chúng tôi nêu rõ ràng và dứt khoát trong tuyên bố St. Petersburg. Nếu một quyết định như vậy đã được đưa ra và truyền đạt tới chính quyền Ukraine, thì điều này đồng nghĩa với một vòng leo thang căng thẳng mới. Đây cũng là một tình huống mới về sự tham gia của Mỹ vào cuộc xung đột này”.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích và giới chuyên gia quân sự, sự thay đổi chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ không đủ để thay đổi tiến trình của cuộc xung đột đã kéo dài 33 tháng. Hướng đi tiếp theo của cuộc xung đột sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ông Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine và đã tuyên bố có thể chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine trong vòng 24 giờ mà không nói bằng cách nào. Điều này đặt ra câu hỏi về tương lai của viện trợ quân sự Mỹ và mặt trận thống nhất của phương Tây chống lại Nga, đồng thời làm dấy lên triển vọng đàm phán để chấm dứt xung đột.
Động thái đơn phương của Thủ tướng Đức Olaf Scholz hồi cuối tuần trước khi điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chấm dứt gần hai năm các nhà lãnh đạo NATO cô lập người đứng đầu Điện Kremlin. Tổng thống Volodymyr Zelensky chỉ trích điều này đã mở ra “chiếc hộp Pandora” khi phá vỡ lập trường lâu nay của phương Tây. Chỉ vài giờ sau, nhà lãnh đạo Ukraine dường như thừa nhận động lực hướng tới các cuộc đàm phán khi nói rằng khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump lên nắm quyền, "xung đột sẽ kết thúc sớm hơn", vì đây là lời hứa mà ông Trump đã đưa ra với cử tri của mình.
Theo hơn 10 cuộc phỏng vấn mà CNN đã thực hiện với các quan chức và nhà ngoại giao đương chức và trước đây, cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gây bất ngờ cho một liên minh phương Tây đang trải qua sự lo lắng sâu rộng về hướng đi tiếp theo của cuộc xung đột sau khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ.
Thu Hoài/VOV1 Tổng hợp