Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin được kỳ vọng sẽ diễn ra hôm nay, ngày 19/5. (Nguồn: AFP)
Đây là lần thứ ba trong năm nay hai nhà lãnh đạo đối thoại trực tiếp, nhưng là lần đầu tiên với kỳ vọng rõ ràng hơn: khởi đầu cho việc chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine bằng một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời.
Bối cảnh đặc biệt
Thông tin về cuộc điện đàm do chính Tổng thống Trump chia sẻ trên mạng xã hội Truth Social cho biết, ông sẽ "nói chuyện" với ông Putin lúc 10 giờ sáng ngày 19/5 (giờ Mỹ), sau đó sẽ tiếp tục gọi điện cho Tổng thống Ukraine Zelensky và lãnh đạo các nước NATO. Theo ông Trump, nội dung các cuộc điện đàm này là nhằm "chấm dứt cuộc chiến đáng lẽ không bao giờ nên xảy ra" đang khiến hơn 5.000 binh sĩ Nga và Ukraine thiệt mạng mỗi tuần.
Tuyên bố này của ông chủ Nhà Trắng phản ánh rõ chủ trương mà ông đã theo đuổi kể từ khi chưa nhậm chức: giải quyết dứt điểm xung đột Ukraine - Nga bằng một giải pháp chính trị.
Trước đó, Washington đã đề xuất một lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày, điều mà Kiev đã chấp thuận nhưng chưa có được cái gật đầu từ phía Điện Kremlin. Bởi thế, thách thức giờ đây là trước tiên, Tổng thống Trump phải thuyết phục được Moscow đồng ý với đề xuất này.
Cuộc điện đàm nếu diễn ra giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin chỉ vài ngày sau vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa phái đoàn Nga và Ukraine kể từ năm 2022, tổ chức tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Dù hai bên đạt được một thỏa thuận trao đổi tù binh quy mô lớn (1.000 người mỗi bên), nhưng vẫn chưa thống nhất được bất kỳ cam kết nào về việc ngừng giao tranh - điều mà ông Trump đang nỗ lực hướng tới.
Tổng thống Trump từng bày tỏ sẵn sàng tới Istanbul để thúc đẩy đàm phán nếu Tổng thống Putin tham dự. Nhưng nhà lãnh đạo Nga đã không đích thân tới Thổ Nhĩ Kỳ mà chỉ cử một phái đoàn với cơ cấu giống như lần đàm phán năm 2002 do Trợ lý tổng thống, ông Vladimir Medinsky, dẫn đầu. Ngoài ra, phái đoàn còn có Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Alexander Fomin, Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Galuzin và người đứng đầu Tổng cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Liên bang Nga Igor Kostyukov. Một phái đoàn mà phía Ukraine cho là "thấp" và "không đủ thẩm quyền".
Theo giới quan sát, các chủ đề được đưa ra trong cuộc điện đàm thượng đỉnh này có thể không chỉ dừng ở vấn đề Ukraine. Ngoài việc yêu cầu ngừng bắn, đặc biệt là chấm dứt các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, hai nhà lãnh đạo có thể đề cập đến các vấn đề then chốt như lãnh thổ, hỗ trợ quân sự từ phương Tây và cả thương mại song phương - một "con bài chủ chốt" của Tổng thống Donald Trump.
Về lãnh thổ, đây có thể là nút thắt khó tháo nhất bởi Moscow muốn giữ vững vị trí đã kiểm soát tại Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson trong khi Ukraine không sẵn sàng nhân nhượng.
Về hỗ trợ quân sự từ phương Tây, một yêu cầu nhạy cảm từ phía Nga là Mỹ và NATO phải dừng viện trợ vũ khí cho Ukraine, điều mà Washington khó có thể chấp nhận ngay.
Còn về thương mại song phương, cho dù chiến sự chiếm ưu thế, nhưng ông Trump cũng sẽ nhắc đến thương mại trong các tuyên bố gần đây với Moscow, một dấu hiệu cho thấy ông muốn gắn tiến trình hòa bình với lợi ích kinh tế lâu dài.
Phái đoàn Nga, Ukraine gặp trực tiếp tại cung điện Dolmabache, thành phố Istanbul, với các đại diện từ Thổ Nhĩ Kỳ tham gia, ngày 16/5. (Nguồn: AFP)
Những kết quả có thể đạt được
Trong bối cảnh các bên còn nhiều khác biệt lớn, nhiều nhà quan sát cho rằng khó có thể hy vọng mọi thứ có thể giải quyết bằng một cuộc điện đàm. Một số nhà phân tích quốc tế đã phác thảo một số kịch bản có thể mường tượng. Mà một trong kịch bản khả dĩ nhất đó là ngừng bắn một phần.
Trong kịch bản lạc quan này, Nga có thể đồng ý một lệnh ngừng bắn giới hạn về không kích và tấn công bằng UAV, đặc biệt tại các khu vực đông dân cư hoặc hạ tầng năng lượng, như một tín hiệu thiện chí trước các vòng đàm phán tiếp theo.
Thế nhưng, không loại trừ kịch bản bế tắc. Trong trường hợp nếu Tổng thống Putin không đồng thuận với đề xuất của Washington, hoặc yêu cầu với điều kiện quá cao, chiến sự có thể tiếp tục ác liệt, thậm chí mở rộng.
Nhưng với một loạt những động thái gần đây của các bên như chính Tổng thống Putin chủ động đề xuất đàm phán trực tiếp với Ukraine và được cả Mỹ và Ukraine hưởng ứng, thì ít nhiều, cuộc đàm phán do Tổng thống Trump chủ động thông báo, có thể đây sẽ là bước mở đầu cho một tiến trình đàm phán toàn diện, có sự bảo trợ của Mỹ, NATO và các cường quốc trung gian như Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Trung Quốc.
Với việc chủ động thúc đẩy điện đàm, Tổng thống Trump đang đặt uy tín cá nhân và vị thế của Mỹ vào bàn cân của tiến trình hòa bình Ukraine. Sau hơn ba năm chiến sự, niềm tin giữa các bên đã bị mài mòn. Mọi nỗ lực trung gian trước đây đều vấp phải rào cản từ lợi ích địa chính trị, sức ép nội bộ và hoài nghi chiến lược. Dẫu vậy, chính việc ông Putin gần đây đề xuất đàm phán trực tiếp với Ukraine - điều được cả Washington và Kiev hưởng ứng - cho thấy một “khe cửa hẹp” đang mở ra.
Liệu Mỹ còn đủ sức gây ảnh hưởng để đưa các bên trở lại bàn đàm phán? Liệu một cuộc điện đàm có thể khởi động lại tiến trình hòa bình? Những câu hỏi đó vẫn đang để ngỏ, nhưng nếu có hy vọng, nó sẽ bắt đầu từ chính những cuộc điện đàm thượng đỉnh như thế này - nơi ngoại giao cao cấp được đặt giữa hòa bình và chiến tranh. Bởi thế, cuộc điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin đang được cả thế giới chú ý và hy vọng.
Nhất Phong