Hình minh họa
Những lo ngại này càng bị đẩy lên cao khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng căng thẳng trong cuộc chiến thuế quan, mở rộng tác động từ Nam Mỹ sang các quốc gia châu Á, bất kể tầm quan trọng kinh tế hay thương mại của họ. Cuộc chiến thuế quan này đã kéo theo các biện pháp trả đũa, làm kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trở nên ảm đạm, kéo theo sự sụt giảm nhu cầu năng lượng.
Giá dầu giảm giữa thị trường biến động mạnh
Theo dữ liệu từ Polymerupdate Research, hợp đồng dầu Brent kỳ hạn trên sàn ICE giảm 1,32% trong tuần qua, chốt ở mức 74,66 USD/thùng vào thứ Sáu tuần trước, so với 75,66 USD/thùng vào tuần trước đó. Các hợp đồng năng lượng này giao dịch trong biên độ hẹp nhưng biến động mạnh, trong bối cảnh Tổng thống Trump, chỉ trong tuần thứ hai của nhiệm kỳ thứ hai, đã ký hàng loạt sắc lệnh hành pháp có hiệu lực ngay lập tức. Mỹ cũng gia tăng căng thẳng với nhiều quốc gia, do các chính sách trục xuất người nhập cư trái phép gây tranh cãi.
Giá dầu WTI Cushing giảm mạnh hơn. Hợp đồng giao tháng gần nhất trên sàn Nymex mất hơn 2%, chốt ở mức 71 USD/thùng vào thứ Sáu, giảm từ 72,53 USD/thùng vào cuối tuần trước. Khối lượng giao dịch thấp và biến động giá hẹp là đặc điểm chung của cả dầu Brent và dầu WTI trong tuần qua. Tính từ đỉnh gần nhất vào ngày 15/1/2025, giá dầu đã giảm 9-11%.
Báo cáo từ AnandRathi Investment Services nhận định: “Giá dầu đã giảm 3 tuần liên tiếp, chốt ở mức 71 USD/thùng. Nguyên nhân chính là do lượng dầu tồn kho ở Mỹ tăng cao, căng thẳng thương mại và bất ổn địa chính trị. Việc Mỹ áp thuế mới lên Canada, Mexico và Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh trả đũa bằng mức thuế 10% đối với dầu thô Mỹ, làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế và gây áp lực lên nhu cầu dầu. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị với Iran đã phần nào hỗ trợ giá dầu”.
Lệnh trừng phạt mới của Mỹ
Bộ Tài chính Mỹ vừa áp đặt các lệnh trừng phạt mới lên xuất khẩu dầu thô của Iran sang Trung Quốc, nhằm cắt giảm nguồn thu từ dầu mỏ của Tehran. Theo giới phân tích, các biện pháp này có thể khiến xuất khẩu dầu của Iran giảm một nửa, làm thị trường nguồn cung toàn cầu thắt chặt hơn.
Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực đến từ Saudi Aramco, khi tập đoàn này quyết định tăng giá bán dầu cho khách hàng châu Á. Động thái này cho thấy nhu cầu tại khu vực vẫn ổn định, khi các nhà máy lọc dầu châu Á sẵn sàng trả giá cao hơn bất chấp những bất ổn kinh tế toàn cầu.
Trong một diễn biến mới, Tổng thống Mỹ Trump vào Chủ Nhật tuần trước đã công bố áp thêm thuế đối với nhôm và thép nhập khẩu từ tất cả các quốc gia. Những mức thuế này có thể ảnh hưởng đến ngành năng lượng Mỹ, đặc biệt là các công ty khai thác dầu phụ thuộc vào loại thép chuyên dụng mà Mỹ không tự khai thác. Tuy nhiên, thời điểm thực hiện các mức thuế này vẫn chưa được xác định.
Thị trường dầu thô chịu áp lực lớn từ căng thẳng thương mại và tồn kho dầu Mỹ
Thị trường dầu thô tiếp tục chịu áp lực trong tuần qua, do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, lượng tồn kho dầu tại Mỹ tăng và nhu cầu năng lượng toàn cầu chưa rõ ràng. Sau đợt tăng nhẹ nhờ Mỹ áp thuế nhập khẩu 10% lên Trung Quốc, các hợp đồng năng lượng nhanh chóng mất đà khi giới đầu tư lo ngại rủi ro kinh tế có thể làm mất cân bằng cung - cầu theo hướng bất lợi cho giá dầu.
Mặc dù giá dầu phục hồi nhẹ vào thứ Sáu tuần trước, mức tăng này không đủ để bù đắp các đợt giảm sâu trước đó trong tuần. Ngoài ra, việc thị trường Trung Quốc giao dịch ảm đạm do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cũng góp phần khiến giá dầu ít biến động. Tuy nhiên, khi các nhà giao dịch Trung Quốc trở lại thị trường, tâm lý giao dịch đang dần cải thiện.
Dự báo nhu cầu yếu kém
Những lo ngại về nhu cầu năng lượng suy yếu tại Trung Quốc đang gia tăng sau khi nước này áp mức thuế trả đũa 15% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ. Động thái này nhằm đáp trả việc Mỹ áp thuế nhập khẩu 10% đối với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc từ đầu tuần này. Theo quy định có hiệu lực từ ngày 8/2/2025, tất cả các sản phẩm năng lượng có nguồn gốc từ Mỹ, bao gồm dầu thô và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), sẽ bị áp thuế 15% khi nhập khẩu vào Trung Quốc.
Từ khi Tổng thống Donald Trump bước vào nhiệm kỳ thứ hai ngày 20/1/2025, chính quyền của ông đã liên tục đưa ra các lệnh trừng phạt và thuế quan mới đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ. Trong số đó, mức thuế 25% đã được áp lên năng lượng nhập khẩu từ Canada và Mexico, dù sau đó thời gian thực thi bị hoãn lại một tháng. Ngoài ra, chính quyền Trump vẫn duy trì các lệnh hạn chế đối với nhập khẩu năng lượng từ Nga và Iran, vốn đã được ban hành dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden.
Tổng thống Trump ưu tiên thúc đẩy khai thác năng lượng nội địa để kiểm soát giá cả và giữ lạm phát tiêu dùng ở mức mục tiêu 2%. Để thực hiện chiến lược này, chính quyền Mỹ đã kêu gọi liên minh OPEC+ (Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác) - đặc biệt là Ả Rập Xê Út - gia tăng sản lượng nhằm bình ổn giá. Dù vậy, thị trường năng lượng vẫn không thu hút được sự quan tâm lớn từ giới đầu tư trong năm qua, ngay cả khi nguồn cung bị gián đoạn do các lệnh trừng phạt lên Iran, Nga và Venezuela. Tình hình càng trở nên phức tạp khi OPEC+ tiếp tục chính sách cắt giảm sản lượng tự nguyện, khiến nguồn cung bị thắt chặt hơn nữa.
Tồn kho dầu Mỹ gia tăng
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), lượng tồn kho dầu thô tại Mỹ đã tăng mạnh hơn dự kiến trong tuần kết thúc vào ngày 31/1/2025, đánh dấu tuần thứ hai liên tiếp ghi nhận mức tăng đáng kể. Trong tuần đó, tồn kho dầu thô vọt lên 8,66 triệu thùng, vượt xa dự báo 2 triệu thùng từ giới phân tích. Một chuyên gia của Macquarie còn dự báo lượng dầu tồn kho tại Mỹ sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tuần kết thúc vào ngày 7/2/2025.
Trước đó, trong tuần cuối tháng 1, tồn kho dầu đã tăng thêm 3,5 triệu thùng, cho thấy nhu cầu nội địa vẫn còn yếu. Trước đó nữa, từ tháng 11/2024 đến đầu tháng 1/2025, tồn kho năng lượng Mỹ liên tục giảm trong chín tuần liên tiếp, đẩy giá dầu lên mức cao nhất trong vòng năm tháng, đạt đỉnh vào giữa tháng 1. Hiện tại, tổng lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đạt 423,8 triệu thùng, thấp hơn khoảng 5% so với mức trung bình 5 năm cùng kỳ.
Trong khi đó, lượng tồn kho xăng đã tăng 2,2 triệu thùng so với tuần trước đó và hiện đang cao hơn một chút so với mức trung bình của 5 năm qua. Mặc dù lượng xăng thành phẩm có xu hướng giảm, nhưng lượng tồn kho thành phần pha trộn lại tăng.
EIA cũng báo cáo rằng trong tuần kết thúc vào ngày 31/1/2025, các nhà máy lọc dầu Mỹ đã xử lý trung bình 15,3 triệu thùng dầu/ngày, tăng 159.000 thùng/ngày so với tuần trước đó. Công suất vận hành của các nhà máy lọc dầu đạt 84,5% tổng công suất khả dụng. Tuy nhiên, sản lượng xăng giảm xuống còn 9,2 triệu thùng/ngày, trong khi sản lượng nhiên liệu chưng cất cũng giảm, còn 4,6 triệu thùng/ngày.
Kỳ vọng thị trường
Giá dầu thô đã tăng 0,5% trong phiên giao dịch sáng nay, bất chấp dữ liệu lạm phát tháng 1 của Trung Quốc cho thấy bức tranh kinh tế không mấy khả quan. Tuy nhiên, thị trường kỳ vọng Bắc Kinh sẽ sớm tung ra các biện pháp kích thích mới, chẳng hạn như cắt giảm lãi suất hoặc tăng cường đầu tư hạ tầng, qua đó có thể hỗ trợ nhu cầu dầu trong tương lai.
Trong tuần này, giá dầu được dự báo sẽ tiếp tục biến động mạnh, nhất là khi mức thuế mới đối với nhôm và thép chính thức có hiệu lực. Do đó, các nhà đầu tư cần theo dõi sát sao diễn biến thương mại, số liệu tồn kho và rủi ro địa chính trị. Dù nhu cầu dầu vẫn đang chịu nhiều áp lực, nhưng khả năng giá dầu giảm sâu là không cao, do nguồn cung có thể bị siết chặt hơn nữa bởi các lệnh trừng phạt khắt khe hơn đối với Iran và Nga, cùng với chính sách cắt giảm sản lượng của OPEC+.
Nh.Thạch
AFP