Xung đột Ukraine khoét sâu rạn nứt
Nếu tiến trình chấm dứt xung đột ở Ukraine đòi hỏi sự gắn kết giữa các đồng minh thì có vẻ như hiện tại điều đó hầu như không có hoặc có rất ít.
Một loạt các cuộc đàm phán ngoại giao trong tuần này không giúp thúc đẩy lệnh ngừng bắn, chứ chưa nói đến hòa bình, mà chỉ minh họa cho sự bất hòa khó chịu ngày càng gia tăng giữa Mỹ và châu Âu.
Ảnh minh họa: Reuters
Khi các nhà lãnh đạo châu Âu họp lại tại Paris, họ đã nêu rõ ưu tiên của mình là một đất nước Ukraine tự do, dân chủ và ổn định, có thể chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga.
"Chúng ta phải đưa Ukraine vào vị thế mạnh nhất để đàm phán một nền hòa bình vững chắc và lâu dài", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu hôm 27/3.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Trump đã theo đuổi nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 3 năm một cách nhanh chóng và theo các điều khoản kinh tế có lợi cho Mỹ, trong đó có việc khôi phục quan hệ với Nga và thỏa thuận khoáng sản với Ukraine.
Một thỏa thuận do Mỹ làm trung gian nhằm chấm dứt giao tranh ở Biển Đen đã đạt được tại Riyadh, Saudi Arabia mà không có sự hiện diện của châu Âu. Tuy nhiên, hiện không rõ liệu thỏa thuận này có sớm được thực thi và có được đảm bảo hay không.
Chính quyền ông Trump và Điện Kremlin đã đưa ra 3 phiên bản cho các điều khoản của mình vì Moscow đặt điều kiện cho thỏa thuận là phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế, một động thái đòi hỏi sự ủng hộ của châu Âu và đang đối mặt với sự phản đối gay gắt từ châu lục này.
Tại Paris, nơi các nhà lãnh đạo châu Âu họp lại mà không có các quan chức Mỹ, cuộc thảo luận xoay quanh cách điều động một "lực lượng đảm bảo" để thúc đẩy bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào của Ukraine. Cái gọi là liên minh của sự tự nguyện bắt đầu giống liên minh của sự miễn cưỡng hơn. Không rõ những quốc gia nào sẽ tham gia và liệu lực lượng quân đội này sẽ triển khai ở đâu. Moscow đã cảnh báo về một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO nếu họ làm vậy.
Sau cuộc họp trên, Tổng thống Volodymyr Zelensky, người tham dự các cuộc đàm phán, đã tuyên bố rằng, "sẽ không ai trao lãnh thổ của chúng tôi cho ông Putin". Ông cũng cho biết, "đây là lập trường chung của chúng tôi, ít nhất là những người có mặt hôm nay".
Mỹ tin rằng hòa bình mà không có sự nhượng bộ lãnh thổ từ Ukraine là điều không thể.
Châu Âu đặt câu hỏi Mỹ đứng về phía nào?
Tuy nhiên, bất đồng giữa châu Âu và Washington còn sâu sắc hơn nhiều so với các rạn nứt liên quan đến vấn đề Ukraine. Châu Âu đang bị Mỹ xoay cho chóng mặt. Người ta không chắc liệu ông Trump hiện coi châu Âu là đối thủ về chiến lược và ý thức hệ, điều sẽ làm thay đổi thế giới, hay chỉ muốn châu Âu tự đảm nhận trách nhiệm quốc phòng của mình. Vế sau sẽ là một cú sốc mạnh nhưng có lẽ là một cú sốc không thể tránh khỏi và có thể kiểm soát được.
Michel Duclos, cố vấn đặc biệt của Institut Montaigne, một tổ chức nghiên cứu tại Paris, cho biết: "Việc tái cấu trúc liên minh theo yêu cầu của ông Trump có thể giống như sự kết thúc của liên minh hơn. Thậm chí không còn sự giả vờ về mối quan hệ bình đẳng nữa".
Chốt chặn của liên minh từ lâu đã là Điều 5 của hiệp ước thành lập NATO, trong đó cam kết rằng "một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào một hoặc nhiều quốc gia thành viên của liên minh sẽ được coi là một cuộc tấn công nhằm vào tất cả thành viên" và nếu cần thiết sẽ "sử dụng tới vũ lực". Tuy nhiên, cam kết đó có vẻ mong manh hơn so với vài tháng trước.
Ông Trump từ lâu đã phàn nàn rằng Mỹ chi quá nhiều cho an ninh của châu Âu và cam kết sẽ buộc các nước châu Âu tăng ngân sách quân sự. Điều này đã bắt đầu xảy ra nhưng vẫn chưa khiến nhà lãnh đạo Mỹ hài lòng.
Ông thậm chí đe dọa sẽ không bảo vệ các đồng minh NATO không trả tiền. Những lời đe dọa như vậy đã leo thang trong nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Điều này đã dẫn đến sự bất an lan rộng. Pháp chuẩn bị phân phát "sổ tay hướng dẫn phục hồi" cho mọi hộ gia đình để giúp người dân chuẩn bị cho các mối đe dọa, bao gồm cả xung đột vũ trang trên đất Pháp. Đồng thời, ông Macron cũng công bố kế hoạch trị giá 2,1 tỷ USD để hiện đại hóa một căn cứ không quân và trang bị cho căn cứ này để tiếp nhận các chiến đấu cơ Rafale thế hệ tiếp theo có khả năng mang tên lửa hạt nhân siêu thanh.
"Điều ngày càng rõ ràng là đội ngũ của ông Trump coi châu Âu là đồng minh ăn bám", Célia Belin, người đứng đầu văn phòng Paris của Hội đồng Đối ngoại châu Âu cho hay, đồng thời nhận định, điều này trái ngước hoàn toàn với mọi thứ mà Mỹ ủng hộ, đến mức “chúng tôi buộc phải đặt câu hỏi: Liệu Washington có thực sự có nghiêng về phía này không”.
Việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth gọi việc châu Âu ăn bám là "thật thảm hại" trong một cuộc trò chuyện bị rò rỉ trên ứng dụng nhắn tin Signal giữa các quan chức cấp cao của chính quyền ông Trump đã cho thấy khoảng cách ngày càng xa giữa Washington và châu Âu.
“Có vẻ như đã có một sự thay đổi lớn”, Sir David Manning, cựu Đại sứ Anh tại Mỹ nhận định trong tháng này, ám chỉ đến những khó khăn trong việc chia sẻ thông tin tình báo khi có những người trong chính quyền ông Trump đang “tìm cách xoa dịu Nga”.
Ông cho biết, “đây không phải là giá trị của chúng tôi”.
Xét đến sự chia rẽ và hạn chế của châu Âu, sẽ không dễ dàng để châu lục này chấm dứt sự phụ thuộc vào sức mạnh quân sự của Mỹ và theo đuổi một chương trình tái vũ trang mạnh mẽ, nhưng trong khoảng thời gian từ 5 - 10 năm, điều đó là có thể.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: New York Times