Theo Business Insider, Moscow dường như không còn bất kỳ tàu ngầm tấn công nào ở Địa Trung Hải, sau khi các nước NATO phát hiện tàu ngầm cuối cùng của Nga là Novorossiysk đã rời khỏi khu vực vào tuần trước.
Trước đó vài tuần, tàu ngầm Novorossiysk đã có mặt tại Tartus, căn cứ hải quân của Nga ở Syria. Tuy nhiên, sau khi chính quyền của cựu Tổng thống Bashar Assad sụp đổ vào đầu tháng 12/2024, tương lai của 2 cơ sở quân sự Nga tại Syria là căn cứ hải quân Tartus và căn cứ không quân Hmeimim trở nên bất định.
Tàu ngầm tấn công lớp Kilo Novorossiysk của Nga xuất hiện gần Bồ Đào Nha. Ảnh: MARCOM
Nhiều dấu hiệu cho thấy, Nga đang rút quân khỏi các căn cứ ở Syria. Việc mất căn cứ Tartus ảnh hưởng mạnh tới Hải quân Nga bao gồm đội tàu ngầm vốn dựa vào cảng nước ấm này để triển khai sức mạnh ở Địa Trung Hải, và xa hơn nữa.
Hình ảnh vệ tinh đầu tháng 12/2024 cho thấy, tàu ngầm Novorossiysk đã cập cảng Tartus, nhưng đến giữa tháng, nó đã biến mất cùng với các tàu chiến khác của Nga. Một số tàu của Hải quân Nga được phát hiện ở ngoài khơi bờ biển Syria trong những tuần gần đây, song hành tung của Novorossiysk vẫn chưa rõ ràng.
Nếu chính quyền mới ở Syria quyết định không để Nga tiếp tục duy trì sự hiện diện ở cảng Tartus, đây được xem là một thất bại nữa đối với Hải quân Nga, lực lượng vốn phải chịu nhiều tổn thất lớn ở Biển Đen sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022.
Theo đó, Ukraine đã sử dụng tên lửa và thiết bị không người lái để gây hư hại, hoặc phá hủy hàng chục tàu của Hải quân Nga bao gồm một trong 6 tàu ngầm lớp Kilo thuộc Hạm đội Biển Đen. Đòn tấn công của Ukraine đã buộc Nga phải rút Hạm đội Biển Đen khỏi trụ sở lâu đời ở thành phố Sevastopol trên bán đảo Crưm để đến cảng Novorossiysk nằm ở bờ biển phía tây nước Nga. Nếu đội tàu Nga không thể quay trở lại Sevastopol, hoạt động của Hải quân Nga sẽ trở nên phức tạp hơn.
Trên thực tế, đối với Nga, việc mất khả năng duy trì các tàu ngầm tại Sevastopol và Tartus là điều đáng quan ngại. Ông Bryan Clark, cựu sĩ quan Hải quân Mỹ và nhà phân tích quốc phòng tại Viện Hudson, nhận định các tàu ngầm lớp Kilo còn lại của Nga hiện đồn trú tại St. Petersburg, nơi có một cơ sở hải quân lớn và các ụ tàu để bảo dưỡng.
"Nga đang phải tái triển khai lực lượng tàu ngầm trở lại phía bắc thay vì dựa vào các cảng nước ấm có thể ra vào quanh năm", ông Clark nhấn mạnh, "ở St. Petersburg, các tàu Nga không thể ra vào quanh năm".
Cũng theo ông Clark, những diễn biến gần đây đang làm giảm tầm ảnh hưởng quân sự của Nga ở Địa Trung Hải và Nam Âu.
Novorossiysk là tàu ngầm Kilo cải tiến mới của Nga. Tàu chạy bằng điện-diesel, và là nền tảng tấn công tầm xa đáng gờm khi có thể tấn công tàu và các mục tiêu trên bộ. Tàu có thể triển khai làm nhiệm vụ trong nhiều tuần liên tục, và khó bị phát hiện. Trên thực tế, Kilo là lớp tàu ngầm phi hạt nhân có năng lực nhất của Nga, và có thể mang theo tên lửa Kalibr.
Nga đã duy trì một tàu ngầm lớp Kilo ở Địa Trung Hải trong nhiều năm. Việc tàu ngầm Nga rời đi có thể báo hiệu sự suy giảm lớn hơn về sức mạnh của Hải quân Nga trong khu vực.
Minh Thu