Xuôi 'dìa' miệt thứ ăn đám giỗ miền Tây

Xuôi 'dìa' miệt thứ ăn đám giỗ miền Tây
21 giờ trướcBài gốc
Trend "đám giỗ bên cồn" do tiktoker Lê Tuấn Khang tạo ra gây sốt cộng đồng mạng những ngày qua. Nhưng ở đời thực, ăn đám giỗ ở miền Tây vốn là một "đặc sản" đậm tình người ở xứ này.
Bà Huỳnh Thị Lệ, 86 tuổi (ngụ xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) chia sẻ: Đám giỗ ở miền Tây là một phong tục truyền thống quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân nơi đây. Đó không chỉ là dịp tưởng nhớ người đã khuất như ông, bà, cha, mẹ, gia tiên,… mà còn là cơ hội để con cháu, dòng họ và bạn bè tụ họp, gắn kết tình cảm.
Kì lắm, cứ tới đám giỗ là hàng xóm nhớ!
Nói về đặc trưng của đám giỗ người miền Tây, bà Lệ cho biết, đám giỗ thường diễn ra 2 ngày. Quá trình chuẩn bị từ vài ngày trước, việc mua sắm nguyên liệu, đến việc dọn dẹp bàn gia tiên, nhà cửa.
Ngày đầu tiên, mâm cúng gia tiên (cúng tiên thường): Diễn ra vào chiều hôm trước ngày giỗ chính, đây là dịp để con cháu tề tựu sum vầy.
Ngày thứ 2, mâm cúng giỗ chính: Diễn ra vào buổi sáng của ngày giỗ chính. Đám giỗ có thể diễn ra từ sáng đến chiều tối với tính cách thân thiện, dễ thương mến khách của người miền Tây. Ngoài ra, khách đến ăn đám giỗ về còn được xách bịch mang đồ ăn hay bánh trái về cho người thân ở nhà.
Bà Huỳnh Thị Lệ đang chuẩn bị trái cây, bông cúng để cúng hương quả trên bàn gia tiên. Ảnh: TRẦN MINH
"Đám giỗ miền Tây không thể không nhắc đến những món ăn đặc trưng của người miền Tây, đậm chất quê. Theo truyền thống nơi đây, tình làng nghĩa xóm lúc nào cũng nhiệt tình. Kì lắm, mỗi lần đám giỗ là họ tự nhớ rồi mỗi người một tay xúm vô phụ. Người rửa rau, người chặt thịt, người lột trứng,… có gì làm đó.
Người xứ này khá thoải mái về các món ăn, bà con thường ưa thích các món như: thịt kho trứng, bánh tét, canh khổ qua, thịt xào đậu que, dưa hấu,… đặc biệt là lẩu cù lao tuy đơn giản không cầu kỳ nhưng rất chỉn chu từ tấm lòng bà con hàng xóm láng giềng” – bà Lệ chia sẻ.
Cứ có đám hay tiệc là hàng xóm tự nhớ ngày và xắn tay áo qua phụ. Ảnh: TRẦN MINH
Theo bà Lệ, lẩu “cù lao” với hình dáng của nồi lẩu đặc biệt, có phần lõi ở giữa để chứa than, tạo cảm giác như một cù lao (đảo nhỏ) giữa dòng sông. Lẩu cù lao thường xuất hiện trong các bữa tiệc, đám giỗ, hoặc dịp lễ Tết ở miền Tây Nam Bộ. Như tại Trà Vinh, lẩu cù lao được nấu với cá, tôm, thịt, tàu hủ ky gói thịt, rau vườn, và nước dùng đậm đà từ nước dừa.
Qua bàn tay khéo léo của người miền Tây, các món ăn không chỉ ngon mà còn thể hiện lòng thành kính đối với ông bà tổ tiên. Ảnh: TRẦN MINH
Không ai biết chính xác từ bao giờ những món ăn quen thuộc, tình làng nghĩa xóm đã trở thành biểu tượng truyền thống trong mỗi đám giỗ của bà con miền Tây. Có lẽ, chúng bắt nguồn từ sự giản dị và sẵn có trong đời sống thường ngày. Qua bàn tay khéo léo của người miền Tây, các món ăn không chỉ ngon mà còn thể hiện lòng thành kính đối với ông bà tổ tiên.
Đám giỗ miền Tây có độ “chịu chơi” của mình
TikToker Khang Miệt Vườn chia sẻ: "Nhìn cái mâm như thế này á, mà em nói đám giỗ miền Tây quê em mọi người có tin không? Chứ mấy cô của em làm tưởng như trong tiệm không á chứ. Món nào món nấy tuyệt vời luôn, nói không phải khen, mấy cô khéo tay thiệt mọi người ơi, mặc dù là học lóm thôi nhưng làm món nào món nấy không thua gì đầu bếp đâu nha,...".
TikToker Khang Miệt Vườn chia sẻ về đám giỗ miền Tây.
Tiktoker Út về vườn chia sẻ: "Đám giỗ ở quê Út đông vui dữ lắm, toàn họ hàng, bà con xúm nhau làm. Nhà ngoại Út đông con cháu, tụ lại cũng được 4,5 mâm. Không biết đám giỗ ở chỗ khác thì sao, đám giỗ chỗ Út cũng nhiều món như đám cưới vậy. Có các món như cà ri, gỏi, lẩu, thịt quay bánh hỏi và thêm sò huyết xào me,...".
Út về vườn chia sẻ đám giỗ miền Tây trên kênh TikTok Út về vườn.
Đám giỗ miền Tây là nét văn hóa đặc sắc, phản ánh tinh thần hiếu thảo của người dân nơi đây. Nó vừa thiêng liêng vừa bình dị, mang giá trị tinh thần sâu sắc trong đời sống của người dân miền sông nước.
TRẦN MINH
Nguồn PLO : https://plo.vn/xuoi-dia-miet-thu-an-dam-gio-mien-tay-post822953.html