Xưởng phụ tùng dựng lại đời một con người

Xưởng phụ tùng dựng lại đời một con người
6 ngày trướcBài gốc
Cơ sở phụ tùng xe máy nhỏ nằm nép mình bên con đường làng ở Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ (TP. Hà Nội), giờ đây đã trở thành điểm đến quen thuộc của người dân trong vùng. Người chủ xưởng – anh Ngô Văn Chiến - vẫn cần mẫn bên máy tiện, cùng vợ tiếp khách, giao hàng, sửa chữa từng chi tiết xe. Không ai nghĩ rằng, người đàn ông gầy gò, hiền lành ấy từng có một quá khứ khiến cả làng lắc đầu, khiến gia đình một thời khánh kiệt, suy sụp.
Anh Ngô Văn Chiến kể về quá khứ từng vùi mình trong "cái chết trắng". Ảnh: Đoàn Tuấn
Nhờ chịu khó bươn trải và học hỏi, anh Chiến đã hiện thực hóa công cuộc “tái thiết” bản thân bằng việc gây dựng một cơ sở làm phụ tùng xe máy ngay tại quê nhà. Ban đầu khách thưa thớt phần vì sản phẩm chưa được tinh xảo, phần người ta vẫn nghĩ anh là "thằng nghiện”. Nhưng bằng nghị lực, sự tận tâm, anh dần lấy lại lòng tin. Giờ đây, cơ sở phụ tùng xe máy của anh là điểm đến quen thuộc của nhiều người và cũng là nơi tạo công ăn việc làm cho cả gia đình và người thân.
Cuối năm 2024, trong ngày con gái út lên xe hoa về nhà chồng, anh Chiến lặng người nhìn theo dáng con trong tà áo cưới. Giây phút ấy, không phải sự náo nhiệt hay tiếng pháo tay làm anh xúc động, mà chính là niềm hạnh phúc thầm lặng - khi biết rằng, anh đã thực sự bù đắp tuổi thơ cho các con. Trở về làm một người cha đúng nghĩa.
“Tôi đã không thể cho các con một tuổi thơ trọn vẹn. Tôi thấy viên mãn vì cả 3 cháu đều có gia đình riêng, không còn phải tủi hờn vì lỗi lầm của tôi trong quá khứ”, anh Chiến xúc động nói và khẳng định vợ, gia đình là điểm tựa giúp anh rũ bỏ ma túy - từng khiến cả gia đình liêu xiêu, khốn đốn.
Nhờ sự kiên cường của chị Là, anh Chiến thoát được cạm bẫy của ma túy để hoàn lương và có cuộc sống hạnh phúc sau những ngày tháng đau khổ tột cùng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ngã xuống từ một lời mời thân quen
Ngô Văn Chiến sinh năm 1968, cái tuổi vừa tròn 41 khi tai họa ập đến đời anh - chỉ vì một cái gật đầu nhẹ tênh trước lời mời của người bạn cùng thôn. Một lần bị cảm cúm, nghẹt mũi, ho rũ rượi. Một liều “thuốc đặc trị” được người quen đưa tận tay: “Thứ này trị xoang, cảm cúm, dùng là khỏi ngay”.
Anh uống. Và mất trắng gần nửa thập kỷ.
Người bạn ấy không bán thuốc. Anh ta “phát hành” ma túy dưới dạng một loại “thần dược”. Còn Chiến - như bao gã đàn ông khỏe mạnh, hiền lành, thật thà vùng trung du – đâu hiểu thứ anh nuốt vào người sẽ bào mòn dần ý chí, nhân cách, lương tri.
Từ một trụ cột, anh trở thành bóng ma trong nhà mình. Từ một người cha, anh thành nỗi tủi nhục của ba đứa con nhỏ. Tài sản đội nón ra đi. Những bữa cơm nhạt dần tiếng nói. Mẹ già lặng câm, con trẻ cúi mặt mỗi lần có người lạ ghé qua. Và chị Là - vợ anh - từ một người đàn bà tảo tần trở thành… cái bia hứng trận của mỗi cơn vật vã nghiện ngập.
Vươn lên sau những sai lầm, anh Chiến gây dựng được một cơ sở sản xuất phụ tùng xe máy có thu nhập ổn định. Ảnh: Đoàn Tuấn
Không buông tay người từng sa ngã
Câu chuyện không có gì mới: Chồng nghiện - vợ cam chịu - con trẻ tổn thương. Nhưng cái đặc biệt ở đây chính là sự kiên trì, không buông bỏ… của chị Là - vợ anh. Chị không bỏ đi, cũng không oán than. Chị chọn cách âm thầm theo dõi, rồi đối mặt.
“Lúc biết anh ấy nghiện, tôi chỉ đứng sững trước cửa. Nhìn cảnh đó, tim tôi như bị cắt từng mảnh. Về nhà, tôi không khóc được nữa”, chị kể, giọng nghẹn như đang sống lại những đêm đông buốt giá, khi căn nhà nhỏ chỉ còn chị và ba đứa con run rẩy chờ tiếng khóa cửa lạch cạch lúc nửa đêm.
Để đoạn tuyệt với cái chết trắng, chị Là đã quyết định đưa chồng đến trung tâm cai nghiện ở huyện Ba Vì để anh tìm về nẻo thiện.
“Người ta cai 6 tháng hoặc 1 năm thì xin về, nhưng chồng tôi quyết ở lại tới 2 năm để đoạn tuyệt hẳn với ma túy; vì tôi biết, nếu không vững tâm, khi trở về trước những cám dỗ mới, anh lại mất tất cả”, chị Là bày tỏ và cho biết anh đã có hành trình thoát khỏi ma túy rất khốc liệt.
Làm lại sau lầm lỡ, anh Chiến và gia đình đã lao vào kinh doanh má phanh xe máy và được bạn hàng ở nhiều nơi lựa chọn. Ảnh: Đoàn Tuấn
Một lời ru không bằng nhạc
Khi Chiến trở về, cả làng vẫn gọi anh là “thằng nghiện”. Anh câm lặng, không phản ứng, không phân trần. Cái tên ấy - anh nói - như vết mực loang, không chùi đi được. Nhưng anh chọn cách “vẽ thêm vào đó” những mảng màu khác: Màu của xi măng, của máy tiện, của kim loại nóng bỏng từ xưởng phụ tùng xe máy mà anh gây dựng bằng hai bàn tay trầy trụa.
Khi viết bài này, chúng tôi không chỉ kể lại một hành trình vượt thoát khỏi ma túy. Chúng tôi muốn nhìn vào một tầng sâu hơn: Sự tái hòa nhập của người từng lỗi lầm, khát vọng làm lại từ tay trắng - không chỉ là câu chuyện đạo đức, mà còn là câu chuyện của chính sách, thị trường lao động, công tác xã hội.
Ngô Văn Chiến không chỉ cai nghiện. Anh còn tạo ra một cơ sở sản xuất tại quê nhà, thuê thêm người, có bạn hàng ở các tỉnh lân cận. Từ đứa con hoang của xã hội, anh tự gây dựng thành hạt nhân kinh tế nhỏ - một minh chứng sống động cho năng lực hoàn lương nếu chính sách đủ mở, nếu cộng đồng đủ bao dung, nếu người thân đủ kiên cường.
Giờ đây, anh có căn nhà ba tầng, có ô tô, có gia đình đoàn tụ. Nhưng cái quý nhất - anh bảo - vẫn là được gọi bằng cái tên cũ: “Chiến – phụ tùng”. Không còn là “thằng nghiện”.
Và có lẽ, với người đàn ông ấy, mọi thành tựu - dù nhỏ hay lớn - đều bắt đầu từ một “lời ru” âm thầm của người vợ. Một lời ru không bằng nhạc, mà bằng nước mắt.
Có những cơ sở kinh doanh không chỉ bán hàng, mà đang vá lại những cuộc đời từng rách toạc. Xưởng phụ tùng của anh Chiến không lớn, nhưng đủ sức chứng minh: Con người có thể hoàn lương nếu xã hội không quay lưng, nếu gia đình không buông tay và nếu chính họ đủ dũng khí bước ra khỏi vũng tối. Một cơ sở nhỏ, một bài học lớn.
Bảo An
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/xuong-phu-tung-dung-lai-doi-mot-con-nguoi-381986.html