'Xương sống' vận hành chính quyền địa phương 2 cấp

'Xương sống' vận hành chính quyền địa phương 2 cấp
9 giờ trướcBài gốc
Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin là một trong những điều kiện “xương sống” trong vận hành mô hình chính quyền 2 cấp. Trong ảnh: Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Sam Mứn.
Chiều 3/7, hội nghị trực tuyến đầu tiên của Chính phủ với 34 tỉnh thành và hơn 3.300 xã, phường, đặc khu trong cả nước sau “sắp xếp lại giang sơn” đã diễn ra. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện từ trước, hệ thống hội nghị trực tuyến tại các xã, phường mới của tỉnh cơ bản đảm bảo hoạt động ổn định, liên tục, không bị gián đoạn đường truyền…
Tại xã Nà Tấu, sau khi xác định nơi đặt trụ sở đơn vị hành chính, xã đã nhanh chóng rà soát, kiểm kê, đánh giá lại thực trạng về các điều kiện chuẩn bị cho hoạt động của xã mới. Trong đó, có phòng họp trực tuyến và chất lượng trang thiết bị, đường truyền.
Cán bộ xã Nà Tấu tham gia hội nghị trực tuyến.
Với phương châm việc đầu tư là cần thiết, khẩn trương, song cũng phải làm đúng quy định, đảm bảo không lãng phí và phát huy tối đa hiệu quả nên với những thiết bị vẫn còn đạt yêu cầu kỹ thuật, như: Camera, màn hình, micro, loa… được xã Nà Tấu tận dụng tối đa từ xã cũ để tái sử dụng. Những trang thiết bị hư hỏng, không ổn định cho kết nối trực tuyến cũng được khẩn trương bố trí lắp đặt mới đảm bảo thích ứng với cơ sở hạ tầng hiện có của địa phương.
Ông Trần Quang Trung, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nà Tấu cho biết: Việc truyền đạt các nội dung, thông tin từ hội nghị thông qua truyền hình trực tuyến rất rõ ràng, chi tiết, thông tin từ hội nghị triển khai nhanh tới nhiều thành phần. Việc kết nối hệ thống hội nghị trực tuyến đảm bảo thông suốt, hiệu quả là một trong những điều kiện góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp nhanh gọn, hiệu quả, từng bước xây dựng chính quyền điện tử và nền hành chính hiện đại.
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Sam Mứn hướng dẫn người dân sử dụng cổng dịch vụ công trực tuyến.
Tại xã Sam Mứn, sau khi đi vào vận hành từ ngày 1/7 đến ngày 4/7, Trung tâm Phục vụ hành chính công của xã đã tiếp nhận và xử lý 30 hồ sơ hành chính bao gồm cả trực tiếp và trực tuyến. Các bộ phận làm việc tiếp dân và xử lý hồ sơ thủ tục đều diễn ra thông suốt, đảm bảo “không gián đoạn - không hồ sơ tồn đọng”.
Ông Lê Ngọc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Sam Mứn cho biết: Trong những ngày đầu đi vào vận hành, cán bộ đơn vị viễn thông cũng đã có mặt túc trực, kịp thời hỗ trợ cán bộ xã xử lý các sự cố về đường truyền nếu có, đảm bảo việc phục vụ nhân dân được diễn ra thông suốt. Trong thời gian tới, cùng với việc quan tâm đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, hệ thống hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin của xã sẽ từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại hơn.
Xác định hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin là một trong những điều kiện “xương sống”, trên cơ sở bố trí ổn định trụ sở của các đơn vị hành chính cấp xã mới, tỉnh Điện Biên đã giao Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp các địa phương, đơn vị viễn thông triển khai rà soát, bổ sung, nâng cấp hệ thống trang thiết bị máy móc, đường truyền…
Theo đó, các thiết bị cơ bản, gồm: Máy tính, máy in, máy quét, máy photo, mạng LAN, wifi, kios AI được bố trí đảm bảo phục vụ người dân và cho cán bộ vận hành tại Trung tâm phục vụ hành chính công; hệ thống đường truyền internet được mở rộng tại 45/45 xã với băng thông trên 100Mbps. Đến nay, 100% cán bộ, công chức liên quan tới tiếp nhận, xử lý hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được cấp tài khoản sử dụng trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh (3.000 tài khoản)…; 2.060 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương đã được cấu hình quy trình điện tử trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC (đạt 100%)…
Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Sín Thầu được trang bị đầy đủ trang thiết bị công nghệ thông tin.
Cùng với đó, hệ thống nền tảng họp trực tuyến của tỉnh triển khai đồng bộ 2 cấp sau khai sáp nhập, sử dụng giải pháp công nghệ của Polycom và Pexip đảm bảo yêu cầu kỹ thuật ổn định thông suốt. Đáp ứng họp trực tuyến giữa tỉnh và Trung ương; họp trực tuyến giữa tỉnh với 45/45 xã; họp trực tuyến giữa 45 xã.
Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, trong những ngày đầu bộ máy chính quyền mới đi vào vận hành, Sở đã phối hợp với đơn vị cung cấp mạng viễn thông bố trí 2 người/xã để trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn cán bộ cơ sở vận hành các thiết bị, triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp công nghệ thông tin. Trước đó, 7 lớp tập huấn trực tuyến hướng dẫn tổ chức quản lý, điều hành và ứng dụng các hệ thống công nghệ thông tin đã được tổ chức tại 152 điểm cầu trong toàn tỉnh cho 1.263 học viên tham gia.
Với mục tiêu cao nhất là phục vụ người dân, doanh nghiệp, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao trong bối cảnh mới việc vận hành đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin bao gồm các trung tâm phục vụ hành chính công, phòng họp trực tuyến… thể hiện quyết tâm hiện đại hóa nền hành chính, đưa chính quyền đến gần với người dân hơn bao giờ hết. Bộ máy mới được kỳ vọng sẽ hoạt động tinh gọn, hiệu quả, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong giai đoạn phát triển mới của tỉnh.
Thu Hằng
Nguồn Điện Biên Phủ : https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/chinh-tri/xuong-song-van-hanh-chinh-quyen-dia-phuong-2-cap