Dữ liệu từ kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới James Webb vừa tiết lộ một lỗ đen quái vật - biệt danh mà các nhà khoa học đặt cho lỗ đen siêu khối - to lớn chưa từng thấy trong vùng vũ trụ 13 tỉ năm về trước.
Con quái vật này đang trong trạng thái "ngất lịm" khi được người Trái Đất quan sát, sau một bữa ăn cuồng nộ.
Ảnh minh họa về một lỗ đen quái vật đang ăn quá nhiều trong vũ trụ sơ khai - Ảnh đồ họa: Jiarong Gu
Ánh sáng tạo nên hình ảnh lỗ đen quái vật mà James ghi nhận đã mất hàng tỉ năm để đến được Trái Đất, giữ lại nguyên vẹn khoảnh khắc của 13 tỉ năm trước, tức chỉ 800 triệu năm sau sự kiện Vụ nổ Big Bang khai sinh vũ trụ.
Theo Live Science, lỗ đen này được gọi là phi thường vì kích thước khổng lồ của nó.
Với khối lượng gấp khoảng 400 triệu lần so với khối lượng của Mặt Trời, đây là lỗ đen lớn nhất mà James Webb tìm thấy trong vũ trụ sơ khai.
Để so sánh, lỗ đen quái vật Sagittarius A* ở trung tâm thiên hà to lớn của chúng ta có khối lượng khoảng 4 triệu lần Mặt Trời.
Theo bài phân tích trên tạp chí khoa học Nature, sự xuất hiện của con quái vật cổ đại này càng làm phức tạp thêm bí ẩn về cách các lỗ đen tăng trưởng trong vũ trụ sơ khai.
Bởi lẽ trong nhiều thập kỷ, giới thiên văn từng tin rằng lỗ đen lớn lên quá trình nhờ nuốt vật chất và sáp nhập trong hàng tỉ năm. Vì vậy trong vũ trụ chỉ mới 800 triệu tuổi, thời gian để một lỗ đen đạt được kích thước như cái vừa phát hiện gần như hoàn toàn vô lý.
Không chỉ quá to lớn, sự chênh lệnh về khối lượng giữa lỗ đen này và thiên hà của nó hết sức kỳ quặc.
Đa số lỗ đen trung tâm thiên hà có khối lượng bằng 0,1% khối lượng thiên hà mẹ, nhưng cái này lại có khối lượng tận 40% so với thiên hà mẹ.
Như vậy, lẽ ra nó phải "ăn uống" rất cuồng nộ để phát triển. Nhưng trong khoảnh khắc được nghi nhận, lỗ đen này dường như chỉ nhâm nhi một chút, khoảng 1% giới hạn bồi tụ tối đa.
Trưởng nhóm nghiên cứu Ignas Juodžbalis từ Viện Vũ trụ học Kavli (Anh) cho biết các kết quả khiến họ tin rằng lỗ đen này đã "ngất lịm" sau một bữa ăn quá lớn.
Lẽ ra trong trạng thái đó, lỗ đen sẽ khó bị phát hiện. Nhưng con quái vật này quá to lớn nên vẫn để lộ tung tích. Và hơn hết, nó cho thấy vũ trụ sơ khai phức tạp hơn chúng ta từng nghĩ và có thể vượt qua các giới hạn mà ngành vật lý thiên văn đã đề ra.
"Vũ trụ sơ khai đã tạo ra một số quái vật thực sự, ngay cả trong những thiên hà tương đối nhỏ" - TS Juodžbalis bình luận.