Trào lưu “xuyên không” và “cú hit” mạng xã hội
Không phải là công nghệ mới, chức năng xem ảnh lưu trữ theo dòng thời gian trên Google Maps, cụ thể là Google Street View vốn đã được Google triển khai từ hơn một thập kỷ trước. Tuy nhiên, chỉ trong vài tháng gần đây, tính năng này bất ngờ được giới trẻ "khai quật" lại và trở thành trào lưu “xuyên không” gây sốt trên mạng xã hội. Từ TikTok đến Facebook, YouTube Shorts hay Instagram Reels, không khó để bắt gặp những video hoặc bài đăng chia sẻ hình ảnh “xưa cũ” của các địa điểm thân quen. Từ con ngõ nhỏ nơi từng chạy chơi thuở bé, căn nhà cấp 4 đã bị phá dỡ, đến tòa nhà văn phòng hiện đại vốn là bãi đất trống, hay góc sân trường nơi từng diễn ra buổi chia tay cuối cấp.
Những hình ảnh cách đây nhiều năm được chia sẻ trên mạng xã hội.
Cách “xuyên không” rất đơn giản nhưng mang đến cảm giác kỳ diệu: chỉ cần mở Google Maps, chọn chế độ Street View, kéo thanh thời gian về những mốc năm cũ (nếu có dữ liệu), chụp ảnh màn hình, sau đó đăng tải kèm một dòng chú thích cảm thán. “Đây là nhà tôi năm 2014”, “Hồi ấy quán phở này còn là quán nước chè”, “Nhớ ngày đi học, đoạn đường này bùn lút bánh xe đạp”... Những mảnh ký ức được khơi lại không chỉ gợi cảm xúc riêng tư mà còn tạo nên sợi dây kết nối cộng đồng khi hàng trăm, hàng ngàn người cùng “đồng cảm” qua những góc phố, khung hình cũ kỹ mà họ từng đi qua.
Không ít người tìm lại được cả một phần tuổi thơ, đôi khi là hình ảnh cuối cùng của người thân. Một tài khoản trên TikTok đã chia sẻ khoảnh khắc chụp được hình cha mình đang tưới cây trước sân nhà trong bức ảnh năm 2012, người cha đã mất vì bệnh vào năm 2018. “Tôi đã khóc khi nhìn thấy tấm lưng ấy, dáng đi ấy, như thể ba vẫn còn ở đây. Ảnh mờ lắm, nhưng lại rõ ràng đến đau lòng”, chủ tài khoản viết.
Một tài khoản khác, @linh.anh.92, đăng tải hình ảnh căn nhà gỗ ở ngoại ô Hà Nội, nơi từng sống với ông bà thời tiểu học: “Tôi tưởng không còn gì để nhớ, vì nhà đã bán đi từ lâu, giờ thành khu công nghiệp. Ai ngờ Google Maps còn lưu ảnh năm 2013. Cứ nhìn là nhớ tiếng tụng kinh mỗi sáng của bà, nhớ mùi rơm khô và tiếng xe đạp lạch cạch của ông”. Dòng cảm xúc ấy đã nhận được hàng chục nghìn lượt yêu thích và hàng trăm bình luận chia sẻ kỷ niệm tương tự.
Sự hấp dẫn của trào lưu không chỉ nằm ở yếu tố công nghệ hay thao tác dễ dàng, mà ở chính giá trị tinh thần mà nó mang lại. Tính hoài niệm vốn luôn là “mỏ vàng” trên mạng xã hội, kết hợp cùng yếu tố khám phá, tìm lại “bí mật của thời gian” từ chính những dữ liệu tưởng chừng lạnh lùng, đã khiến trào lưu này lan tỏa mạnh mẽ. Người xem không chỉ tò mò về sự thay đổi của cảnh vật mà còn được nhắc nhở về tốc độ biến chuyển của thời gian, về những điều đã mất, đã đổi thay hoặc không thể quay lại.
Có những video mang lại cảm xúc đến nghẹn ngào, như một cô gái trẻ vô tình tìm thấy hình ảnh mẹ mình, người đã qua đời vì ung thư đang ngồi trước cửa nhà, tay ôm một con mèo trắng. “Tôi không biết Google từng đi qua lúc ấy. Mẹ tôi qua đời năm 2016 và đây là lần đầu tiên sau 9 năm tôi được nhìn thấy mẹ trong một khoảnh khắc tự nhiên như thế”, cô chia sẻ trong một bài viết lan truyền khắp mạng xã hội.
Video hướng dẫn sử dụng Google Street View nhận được nhiều lượt tương tác.
Không chỉ người dùng cá nhân, nhiều fanpage lớn cũng nhanh chóng bắt nhịp, đăng các bài “tìm ảnh cũ theo yêu cầu”, tổ chức các mini game “truy tìm ký ức trên Google Maps” với hàng ngàn lượt tương tác. Nhiều influencer công nghệ, travel blogger cũng góp phần “tạo sóng” khi đăng video hướng dẫn chi tiết cách “tua ngược” thời gian về các mốc như 2008, 2010, 2014 những năm tháng dường như đã bị bụi mờ ký ức phủ lấp.
Từ một tính năng từng bị bỏ quên, Google Street View bỗng trở thành “cỗ máy thời gian” đầy cảm xúc, nơi những bức ảnh bình thường bỗng mang giá trị như những thước phim tài liệu ghi lại sự thay đổi của đô thị, nếp sống và cả những câu chuyện riêng tư nhất.
Trong bối cảnh hiện tại, khi nhịp sống trở nên vội vã, nhiều người trẻ thấy mình bị cuốn vào áp lực cơm áo gạo tiền, sự quay về quá khứ dù chỉ qua một bức ảnh cũng đủ để đem lại cảm giác an ủi, níu kéo chút bình yên. Chính điều đó đã biến một công cụ khô khan thành trào lưu mang màu sắc nhân văn.
Như một bình luận được chia sẻ nhiều trên diễn đàn Reddit Việt: “Xuyên không bằng Google Maps không giúp mình quay lại tuổi thơ, nhưng ít nhất, nó cho mình biết tuổi thơ ấy đã từng hiện diện thật, sống động và đẹp đẽ đến vậy”.
Kẻo bị “trend đè”
Không phải khoảnh khắc nào được “đào” lại từ Google Street View cũng mang đến tiếng cười hay cảm xúc hoài niệm dễ chịu. Đằng sau những cú “xuyên không” tưởng chừng nhẹ nhàng ấy là vô số câu chuyện đau lòng. Nhiều người đã thực sự trải qua cú sốc tâm lý khi bất ngờ đối diện với quá khứ tưởng đã chôn sâu, nơi có bóng dáng người thân đã khuất, những đồ vật quen thuộc gắn với ký ức tang thương hoặc một mái nhà từng là tổ ấm nhưng giờ chỉ còn là bãi đất hoang.
Trần Huyền (27 tuổi, ở phường Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ trong một video TikTok thu hút gần 200.000 lượt xem rằng, cô chỉ định tìm lại hình ảnh con đường quê năm xưa, ai ngờ thấy hình ba mình đang lúi húi sửa xe trước nhà. Ông mất năm 2021 vì tai nạn và cô đã không kịp nói lời tạm biệt. Dù đoạn video gây xúc động mạnh và được nhiều người đồng cảm, Huyền buộc phải xóa nó sau vài ngày vì “mỗi lần nhìn lại là một lần đau”.
Không chỉ riêng cô, nhiều người khác cũng rơi vào trạng thái trầm lặng khi bất ngờ tìm thấy hình ảnh ông bà, cha mẹ, hay cả một phần ký ức đã ngủ yên suốt nhiều năm: một dáng người gầy đứng trước cổng trường mẫu giáo, chiếc võng mắc ngoài hiên, chậu rửa nhôm dưới giàn mướp, tất cả đều trở thành những “bức ảnh vô tri” mang sức nặng của một nỗi nhớ chưa từng được gọi tên.
Nghiêm trọng hơn, nhiều hình ảnh riêng tư, thương tâm bị chia sẻ một cách vô cảm trên mạng xã hội. Từ người phụ nữ ngồi thẫn thờ trước căn nhà cháy, đến cảnh sơ tán trong lũ lụt, hay tai nạn giao thông, đều từng bị biến thành nội dung “viral” bất chấp quyền riêng tư của người trong ảnh.
Một số tài khoản thậm chí còn chế meme, gán chú thích hài hước cho các khung hình bi kịch, khiến nạn nhân và thân nhân chịu tổn thương kép.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh, giảng viên truyền thông tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cảnh báo rằng trong môi trường mạng, cảm xúc và nhân quyền dễ bị xâm phạm bởi sự vô tình hoặc hời hợt của người khác. Một bức ảnh cũ tưởng như vô hại hoàn toàn có thể là lát cắt của một ký ức đau đớn và việc chia sẻ thiếu kiểm soát không chỉ là hành vi thiếu tế nhị mà còn tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật.
Cùng với tổn thương cảm xúc là sự lan truyền của thông tin sai lệch. Một đoạn clip từng gây bão khi tố một căn nhà “mọc lên sau một đêm giữa khu đất công”, nhưng thực chất là do hình ảnh năm 2014 chưa cập nhật kịp thời, còn ngôi nhà đã có từ trước đó nhiều năm.
Khi dữ liệu cũ bị hiểu sai, cộng đồng mạng dễ rơi vào vòng xoáy quy chụp, nghi kỵ và công kích nhầm đối tượng. Không chỉ vậy, trào lưu “xuyên không” còn trở thành mảnh đất màu mỡ cho tội phạm mạng. Theo chuyên gia an ninh mạng Nguyễn Minh Hoàng (Trung tâm An toàn thông tin VSEC), chỉ một bức ảnh tưởng chừng bình thường như cảnh trước sân nhà lúc 6 giờ sáng cũng có thể hé lộ thời gian biểu, thành viên gia đình, mức độ vắng mặt, thói quen sinh hoạt... để từ đó phục vụ cho hành vi trộm cắp, lừa đảo, giả mạo tinh vi. Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ AI đang phát triển, việc dựng “chân dung số” của một người từ dữ liệu công khai là hoàn toàn khả thi. Những lo ngại về xâm phạm đời tư từ Street View không phải là mới.
Không xúc động sao được khi người thân của mình nhiều năm trước lại xuất hiện trên điện thoại rất sinh động.
Dù Google cam kết làm mờ khuôn mặt và biển số xe, quy trình này không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Từ năm 2010, Google đã vướng hàng loạt chỉ trích khi bị phát hiện không chỉ chụp ảnh mà còn thu thập dữ liệu từ các mạng wifi không mã hóa, bao gồm địa chỉ MAC, SSID và cả dữ liệu truyền tải. Ít nhất 12 quốc gia đã vào cuộc điều tra. Tại Mỹ, Google bị phạt 7 triệu USD; tại Australia, công ty tiếp tục phải nộp 60 triệu AUD vào năm 2022. Ở Đức, Google bị buộc phải xin phép trước khi ghi hình và mở công cụ cho người dân yêu cầu làm mờ nhà cửa, tài sản.
Dưới áp lực quốc tế, Google đã cải tiến thuật toán làm mờ, minh bạch chính sách thu thập dữ liệu và bổ sung công cụ để người dùng gửi yêu cầu gỡ bỏ ảnh nhạy cảm.
Tuy nhiên, như luật sư Lê Công Thắng (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích, trách nhiệm không thể phó mặc cho nền tảng. Việc đăng tải hình ảnh người khác khi chưa có sự đồng ý, đặc biệt là kèm địa chỉ, biển số xe, hay hoạt động riêng tư, hoàn toàn có thể vi phạm quyền hình ảnh theo Bộ luật Dân sự. Nếu gây tổn hại nghiêm trọng, hành vi này có thể cấu thành xúc phạm danh dự, làm lộ bí mật đời tư hoặc bị xử lý hình sự.
Không thể phủ nhận sức hấp dẫn của trào lưu “xuyên không” nó khơi dậy ký ức, kết nối cảm xúc, làm sống lại một phần tuổi thơ hay quá khứ tưởng đã mất. Nhưng, công cụ nào cũng có hai mặt. Khi hình ảnh cũ bị sử dụng thiếu kiểm soát, người trong cuộc đôi khi chỉ là người vô tình xuất hiện trong khung hình có thể trở thành nạn nhân của đám đông, của sự tò mò không có giới hạn.
Không ai cấm bạn nhìn lại con phố xưa hay căn nhà cũ, nhưng cần nhớ: đó không chỉ là một tấm ảnh. Đó có thể là một vết thương chưa lành, một khoảnh khắc riêng tư bị phơi bày, một mảnh dữ liệu cá nhân bị khai thác. Giới chuyên gia khuyến cáo, người dùng cần nâng cao nhận thức về quyền riêng tư, tránh đăng tải hình ảnh có địa chỉ, biển số, gương mặt rõ nét; không gắn thẻ người khác khi chưa được phép; đặc biệt nên tránh chia sẻ các nội dung liên quan đến mất mát, tang thương.
Về phía Google, cần tiếp tục cải thiện công cụ kiểm soát hình ảnh nhạy cảm, tăng khả năng tự động phát hiện và xử lý theo yêu cầu người dùng. Bởi, nếu công nghệ là con dao hai lưỡi thì chính người dùng là người lựa chọn lưỡi nào sẽ được vung lên. Ký ức, dù là hiện tại hay đã qua, cũng cần được tôn trọng. Và, “xuyên không” chỉ thật sự là một hành trình đẹp nếu được thực hiện bằng sự tỉnh táo và nhân văn.
Bảo Phương