Đây chính là vấn đề mà các đối tượng trên mạng xã hội thường lợi dụng để xuyên tạc chủ trương tinh gọn bộ máy của Đảng, tạo sự nhiễu loạn thông tin trong dư luận xã hội nhằm cản trở cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của chúng ta. Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV, PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện chính trị Quốc gia HCM) cho rằng, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của chúng ta phù hợp với xu thế trên thế giới và được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Tinh gọn bộ máy - xu thế tất yếu của lịch sử
PV: Thưa ông, dư luận trong nước cũng như nhiều quốc gia trên thế giới rất quan tâm đến cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị của chúng ta hiện nay. Lợi dụng sự quan tâm này, một số đối tượng trên mạng xã hội liên tục đưa ra những luận điệu cho rằng, tổ chức bộ máy của ta lâu nay cồng kềnh nên rất khó thực hiện tinh gọn. Chúng còn suy diễn, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy chỉ là để đấu đá tạo phe cánh chứ không mang lại hiệu quả. Ông bình luận gì về những luận điệu này?
PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà: Tôi thấy rằng luận điệu của các thế lực thù địch không phù hợp. Người ta chỉ nhìn thấy hiện tượng mà chưa nhìn thấy quá trình tiến hành diễn ra như thế nào. Quá trình tiến hành của ta làm rất gấp, rất khẩn trương, nhận được sự đồng thuận, bởi vì khi nêu chủ trương tinh gọn, ai cũng nhận thấy đúng là bộ máy của chúng ta trước đây quá cồng kềnh, không hiệu lực, hiệu quả, chắc chắn phải tinh gọn, nếu không ngân sách nhà nước phải dành đến 2/3 để trả lương. Bây giờ sau khi tinh gọn chắc chắn bộ máy phải hiệu quả hơn.
Trước mắt, các bộ, ban, ngành trung ương, các tổ chức đã sáp nhập, tinh gọn lại rồi. Bước tiếp theo sẽ tinh gọn nhân sự ở các cơ quan, đơn vị, các địa phương. Đây là một bước quan trọng để làm sao bộ máy gọn lại, giảm số người nhưng hoạt động hiệu quả hơn. Yêu cầu này rất cao, nhưng tôi tin tưởng khi nhận được sự đồng thuận của xã hội, thậm chí đây là một xu thế thì ai muốn chống lại cũng không được. Đã là xu thế thì hầu hết mọi người đồng thuận và ai cũng phải cố gắng hơn, thể hiện được mình thì mới tồn tại được trong bộ máy, nếu không sẽ phải ra ngoài. Điều này phù hợp với chủ trương của Đảng, nhà nước là muốn bước vào kỷ nguyên phát triển mới thì bộ máy phải tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đây là biện pháp cần thiết và quan trọng để đất nước phát triển trong thời gian tới.
PV: Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhấn mạnh, việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, làm càng sớm càng có lợi cho dân, cho nước phải không thưa ông?
PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà: Đúng vậy, tinh gọn bộ máy tức là giảm được các chi phí hành chính, lương không phải trả cho quá nhiều người, trong khi đó chất lượng, hiệu quả công việc mang lại không tương xứng. Việc tinh gọn bộ máy tiết kiệm được nguồn lực rất lớn và nguồn lực này đang được sử dụng trong các lĩnh vực khác nhau. Vì sao bây giờ chúng ta làm hạ tầng như: đường sắt, đường bộ, các loại cầu… nhiều như thế, trong khi làm hạ tầng rất tốn kém, vì chúng ta đang có nguồn lực.
Chúng ta tiết kiệm được chi ngân sách thì mới dành được phần đáng kể ngân sách để miễn học phí cho các cấp học, từ mẫu giáo đến hết trung học phổ thông. Đấy là cố gắng rất lớn của Đảng, nhà nước và nó cũng thể hiện kết quả bước đầu của việc chúng ta đi theo xu hướng tinh gọn bộ máy. Chúng ta tiết kiệm được chi phí, chống lãng phí thì chúng ta sẽ đạt được mục tiêu của chủ trương tinh gọn bộ. Việc làm này thể hiện rằng, Đảng của dân, do dân, vì dân, mang lại lợi ích thiết thực cho dân, vì thế cho nên người dân đồng tình ủng hộ.
PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện chính trị Quốc gia HCM).
PV: Nhìn ra một số quốc gia trên thế giới chúng ta thấy New Zealand đã từng đối mặt với bộ máy cồng kềnh trước khi tinh gọn như hiện nay hay như Singapore đã quyết tâm xây dựng chính phủ điện tử để vượt qua tham nhũng. Điều đó cho thấy những đối tượng xuyên tạc chủ trương tinh gọn bộ máy của ta đang cố tình đi ngược lại xu thế tất yếu, thưa PSG, TS?
PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà: Đúng là họ đang cố tình đi ngược xu thế. Chúng ta nhìn ra xa hơn, ví dụ như nước Mỹ, khi ông Donald Trump lên nắm quyền, ông đang làm cho bộ máy công quyền của nước Mỹ gọn lại, hiệu lực hơn. Ông Donald Trump làm rất quyết liệt, sa thải hàng loạt nhân viên, đóng cửa những tổ chức không mang lại hiệu quả. Đấy là một xu thế. Nhưng chúng ta không học theo nước Mỹ, bởi vì tháng 1/2025, ông Donald Trump quyết tâm tinh gọn bộ máy thì nước ta đã triển khai trước rồi. Chúng ta làm như thế là phù hợp với xu thế trên thế giới.
Vai trò lãnh đạo của Đảng: Nhân tố quyết định thắng lợi
PV: Thưa ông, âm mưu thủ đoạn của các đối tượng xuyên tạc chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy của ta là phủ nhận, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà: Tôi tin vào kết quả chúng ta làm được. Kẻ xấu, các thế lực thù địch rêu rao chủ trương tinh gọn bộ máy của ta chẳng đi đến đâu, không mang lại lợi ích gì cả, chỉ nhằm mục tiêu bảo vệ quyền lợi của tầng lớp lãnh đạo. Nhưng tôi tin rằng với bề dày lãnh đạo đất nước gần 100 năm qua, đất nước ta đã trải qua rất nhiều giai đoạn lịch sử cực kỳ khó khăn nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn khẳng định được vai trò lãnh đạo của mình, vẫn được nhân dân tin tưởng, ủng hộ.
Thời gian tới, việc tinh gọn bộ máy sẽ có kết quả rõ rệt. Chúng ta sẽ nhìn thấy bộ máy gọn hơn, chất lượng hơn và đội ngũ nhân sự ở trong bộ máy đấy làm việc hiệu quả hơn. Việc này sẽ thúc đẩy đất nước phát triển.
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị sẽ đưa đất nước phát triển mạnh mẽ.
PV: Những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng chỉ như ngọn gió ngược, thưa ông?
PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà: Đúng rồi, khi lực lượng thù địch cố tình phản bác nhằm hạ thấp uy tín hay phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng thì chỉ như ngọn gió ngược mà thôi. Người ta không nghe theo nữa, bởi vì thực tế Đảng lãnh đạo trong từng ấy năm luôn được nhân dân tin tưởng, ủng hộ và bây giờ Đảng lại quyết tâm thay đổi, dù có đau đớn, mất mát một số cán bộ đảng viên, nhưng nếu bộ máy hoàn thành tốt thì đó là vấn đề chung chứ không phải vấn là vấn đề riêng nữa.
PV: Thưa ông, từ các luận điệu xuyên tạc về chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta, các đối tượng còn bộc lộ âm mưu đòi thay đổi chế độ chính trị, thực hiện đa nguyên đa đảng?
PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà: Đã từ lâu rồi các thế lực thù địch bảo chúng ta đang một mình đi một con đường, không theo xu thế chung của thế giới nhưng cách đây 11 năm, năm 2014, Tổng thống Mỹ Obama đã tuyên bố công khai rằng, nước Mỹ tôn trọng sự lựa chọn chế độ chính trị của các quốc gia và các tổng thống sau này cũng tuyên bố tương tự như ông Obama đối với lựa chọn chế độ chính trị Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia ổn định về chính trị - xã hội thì vì sao chúng ta lại phải thay đổi lực lượng lãnh đạo khi họ đang có uy tín, thể hiện được chủ trương, đường lối xây dựng đất nước vươn lên, cho nên đất nước mới có vị thế, uy tín trên trường quốc tế như hiện nay. Vì thế, tôi thấy sự kêu gọi đấy rất lạc lõng.
PV: Các thế lực thù địch còn dựa vào những căn bệnh trong công tác cán bộ mà Đảng ta đã chỉ ra để xuyên tạc chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy của ta, nhưng họ lại không nhìn nhận tích cực vào những thành quả mà Đảng ta thực hiện quyết liệt, kiên trì trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực cũng như là sự phát triển của đất nước trong nhiều năm qua. Xin ông phân tích về điều này?
PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà: Chủ trương tinh gọn bộ máy là việc làm rất đúng, nhưng vẫn phải đề phòng những việc có thể nảy sinh tiêu cực và có những đối tượng chống phá, vậy ta phải tìm cách khắc phục, hạn chế những tiêu cực, làm cho chủ trương này thực hiện được một cách hiệu quả. Các lực lượng chống phá chúng ta lâu nay không muốn chế độ xã hội này phát triển.
Chúng cho rằng, lâu nay chế độ cộng sản Việt Nam nói rất nhiều rằng, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là cái gốc của mọi cái gốc, nhưng vừa qua hàng loạt cán bộ cấp cao bị xử lý, nhân cơ hội tinh gọn bộ máy để thanh trừng những người không cùng phe cánh. Thực tế không phải như vậy, mà do yêu cầu của cuộc sống, yêu cầu của xây dựng phát triển đất nước, những ai không làm được đứng sang một bên như lời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói và sau này Tổng Bí thư Tố Lâm cũng nhắc lại tinh thần đấy rằng, ai không làm được thì đứng sang một bên cho người khác làm. Tôi đồng tình với quan điểm như vậy
PV: Xin cảm ơn ông!
PV/Phát thanh QĐND (Thực hiện)