Ông Dương Thành Nam, kỹ sư trưởng nhóm xây dựng dự án điện hạt nhân EPR2 tại Tập đoàn điện lực Pháp EDF. (Ảnh: TTXVN phát)
Với quyết định tái khởi động dự án điện hạt nhân, Việt Nam đang đối mặt với cả cơ hội và thách thức.
Nhân dịp Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV bàn về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), các chuyên gia Việt Nam đã và đang trực tiếp tham gia vào các dự án hạt nhân lớn của Pháp, đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp với mong muốn đóng góp kinh nghiệm và tâm huyết cho quê hương.
"Cần thay đổi suy nghĩ, quan niệm của người dân về năng lượng hạt nhân," đó là quan điểm của ông Dương Thành Nam, kỹ sư trưởng nhóm xây dựng dự án điện hạt nhân EPR2 của Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF).
Ông Thành Nam cho rằng làm chủ công nghệ hạt nhân không chỉ là thách thức kỹ thuật, mà còn là vấn đề tư duy và cách tiếp cận của toàn xã hội.
"Nhắc đến hai từ hạt nhân, chúng ta thường hay nghĩ đến sức mạnh của sự tàn phá và hủy diệt. Tuy nhiên, tất cả đều phụ thuộc vào cách nghĩ và sự lựa chọn của chúng ta. Cần giải thích để mọi người hiểu rằng việc làm chủ công nghệ hạt nhân là để phục vụ cho lợi ích của loài người," ông nhấn mạnh.
Với gần một thập kỷ kinh nghiệm trong ngành, Kỹ sư trưởng Dương Thành Nam nhìn nhận một cách thực tế rằng mỗi con ốc, đường dây trong nhà máy điện hạt nhân đều phải được sản xuất với độ chính xác tối đa. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam nâng cấp toàn diện các ngành công nghiệp phụ trợ.
Điện hạt nhân không chỉ là câu chuyện về công nghệ lò phản ứng. Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất là quản lý chất thải phóng xạ - thách thức kéo dài hàng nghìn năm sau khi nhà máy ngừng hoạt động.
Là người Việt Nam duy nhất từng đoạt giải Tiến sỹ xuất sắc nhất châu Âu ngành địa vật liệu (năm 2013) và hiện đang phụ trách các dự án nghiên cứu địa cơ học tại Viện nghiên cứu chất thải hạt nhân của Pháp, Tiến sỹ Vũ Minh Ngọc đã đưa ra góc nhìn chuyên sâu về vấn đề này: "Quản lý chất thải phóng xạ là bước cuối cùng của chu trình nhiên liệu hạt nhân, nhằm mục đích bảo vệ các thế hệ hiện tại và tương lai."
Tiến sỹ Vũ Minh Ngọc, phụ trách các dự án nghiên cứu địa cơ học tại Viện Nghiên cứu Chất thải Hạt nhân của Pháp. (Ảnh: TTXVN phát)
Theo ông, giải pháp an toàn nhất hiện nay đang được các quốc gia phát triển áp dụng, đó là lưu trữ chất thải dưới tầng địa chất phù hợp như đất sét, đá granit hay đá muối.
Điều đáng chú ý là mặc dù chi phí xây dựng cơ sở lưu trữ địa chất sâu có thể tốn đến hàng chục tỷ euro, nhưng Việt Nam có ưu thế là đi sau nhiều thập niên so với các nước khác trên thế giới, nên có thể rút ngắn thời gian và chi phí nghiên cứu, nếu tìm được lớp địa tầng tương tự những gì đã được nghiên cứu bởi các nước khác.
Đối với kỹ sư cao cấp Bùi Nguyễn Hoàng, yếu tố con người lại là mối quan tâm hàng đầu. Với hơn 15 năm kinh nghiệm về thiết kế và quản lý các dự án nhà máy điện hạt nhân tại châu Âu và châu Á, ông bày tỏ: "Nhiều kỹ sư, chuyên gia khao khát được về nước, cống hiến trực tiếp cho công tác quản lý và điều phối dự án, giám sát và quản lý chất lượng trong quá trình triển khai và thực hiện dự án."
Theo ông Hoàng, hiện có gần 100 kỹ sư, chuyên gia Việt Nam và gốc Việt đang làm việc trong lĩnh vực xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại châu Âu. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao có thể đóng góp cho quá trình tư vấn chính sách, thẩm tra và phản biện thiết kế.
Kỹ sư cao cấp Bùi Nguyễn Hoàng, 15 năm kinh nghiệm về thiết kế và quản lý các dự án nhà máy điện hạt nhân tại châu Âu và châu Á. (Ảnh: TTXVN phát)
Tuy nhiên, để thu hút được nguồn lực chất xám này, Việt Nam cần có chính sách đặc biệt và môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn.
Liên quan đến câu hỏi liệu có thể đảm bảo chất lượng và tuân thủ tiêu chuẩn mà không làm chậm tiến độ dự án? Tiến sỹ Lê Quốc Việt chỉ ra rằng sau thảm họa Fukushima năm 2011, các quy chuẩn an toàn được nâng cao đáng kể, khiến việc thiết kế và quản lý dự án trở nên vô cùng phức tạp.
Là người có kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực xây dựng và đã tham gia dự án Nhà máy điện hạt nhân Flamanville 3 tại Pháp, từ khi khởi công đến lúc nhà máy hòa vào hệ thống lưới điện quốc gia, ông cho biết dự án Flamanville 3 chính là "nạn nhân" của các quy trình phức tạp này.
Pháp đã mất đến 17 năm để hoàn thành công trình này, với số vốn đội lên tới 23,7 tỷ euro.
"Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đã phức tạp, nhưng vận hành và quản lý an toàn còn khó khăn hơn nhiều," Tiến sỹ Việt nhấn mạnh.
Tiến sỹ Lê Quốc Việt, hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng và đã tham gia dự án Nhà máy điện hạt nhân Flamanville 3 của Pháp. (Ảnh: TTXVN phát)
Ông dẫn chứng các thảm họa tại Fukushima và Chernobyl để chỉ ra rằng dù công nghệ xây dựng ngày càng tiên tiến, yếu tố con người, quy trình vận hành và khả năng ứng phó khẩn cấp vẫn là những yếu tố quyết định đến mức độ an toàn.
Bài học từ các thảm họa này cũng được Hội Xây dựng, Cơ học và Vật liệu Việt Nam tại Pháp (GCMM) đặc biệt chú trọng.
Với gần 500 thành viên đều là người gốc Việt đang học tập, nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực xây dựng tại Pháp, trong đó có khoảng 50 người làm việc lâu năm trong lĩnh vực hạt nhân, GCMM đã đưa ra những đề xuất cụ thể về việc ứng phó với thiên tai.
"Sự cố Fukushima là minh chứng cho thấy cần đánh giá toàn diện các yếu tố thiên tai, kể cả những rủi ro ít có khả năng xảy ra," đó là cảnh báo mà Tiến sỹ Nguyễn Thường Anh, chủ tịch Hội GCMM chia sẻ.
Tiến sỹ Nguyễn Thường Anh, Chủ tịch Hội GCMM. (Ảnh: TTXVN phát)
Cùng với nghiên cứu sinh Tiến sỹ Phí Minh Nhật, ông khuyến nghị Việt Nam nên áp dụng các biện pháp phòng chống thiên tai như xây dựng tường chắn sóng cao tối thiểu 12m, đặt nền móng nhà máy cao hơn 20m so với mực nước biển và thiết kế kết cấu chịu được động đất cường độ cao.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo cũng được các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh. Các hệ thống cảm biến thông minh, mô hình phân tích dữ liệu lớn để dự đoán các hiện tượng thiên tai và hệ thống cảm biến rung bên trong nhà máy sẽ giúp nâng cao khả năng ứng phó, giảm thiểu rủi ro.
Điều đáng chú ý là việc đầu tư vào các biện pháp phòng chống thiên tai ngay từ giai đoạn thiết kế không chỉ đảm bảo an toàn mà còn mang lại lợi ích kinh tế lâu dài. Theo các chuyên gia, chi phí bảo hiểm có thể giảm từ 30-50% nếu tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn.
Nghiên cứu sinh Tiến sỹ Phí Minh Nhật, Phó Chủ tịch Hội GCMM. (Ảnh: TTXVN phát)
Từ những chia sẻ tâm huyết của các chuyên gia, có thể thấy Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển chương trình điện hạt nhân một cách an toàn và hiệu quả.
Bài học từ các quốc gia đi trước, đặc biệt là những thảm họa như Fukushima và Chernobyl, là những cảnh báo quý giá giúp Việt Nam tránh được những sai lầm tương tự.
Thành công của chương trình điện hạt nhân Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào việc lựa chọn công nghệ phù hợp mà còn đòi hỏi sự đầu tư bài bản vào nguồn nhân lực, xây dựng văn hóa an toàn nghiêm ngặt và áp dụng các tiêu chuẩn thiết kế tiên tiến nhất với khung pháp lý chặt chẽ nhất.
Những chuyên gia Việt Nam đang làm việc trong lĩnh vực hạt nhân tại nước ngoài chính là cầu nối quý giá, giúp Việt Nam rút ngắn khoảng cách với những tiêu chuẩn hàng đầu thế giới.
Như kỹ sư Dương Thành Nam đã nhấn mạnh: "Xây dựng một nhà máy điện hạt nhân đòi hỏi sự tham gia của nhiều ngành nghề ở một trình độ cao nhất, những sản phẩm tốt nhất, và tất nhiên là những con người tốt nhất.
Những cái nhất đó là một thách thức, nhưng cũng là một cơ hội để thay đổi nhận thức của công chúng về năng lượng hạt nhân." Và đó chính là thông điệp mà các chuyên gia Việt Nam muốn gửi gắm tới quê hương khi nước nhà đứng trước quyết định lịch sử này./.
Chụp ảnh kỷ niệm tại buổi làm việc giữa Văn phòng đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại Pháp với các chuyên gia Việt kiều trong lĩnh vực điện hạt nhân. (Ảnh: TTXVN phát)
(Vietnam+)