Ý nghĩa của việc ông Trump chính thức trở lại Nhà Trắng đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine?

Ý nghĩa của việc ông Trump chính thức trở lại Nhà Trắng đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine?
7 giờ trướcBài gốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo tờ The Kyiv Post (Ukraine), ông Donald Trump đã chính thức nhậm chức Tổng thống thứ 47 của Mỹ vào ngày 20/1với lời hứa táo bạo sẽ mang lại hòa bình giữa Nga và Ukraine trong vòng "24 giờ". Mặc dù thời hạn này có vẻ khá phi thực tế, nhưng các yếu tố hiện tại đang cho thấy cả Nga và Ukraine đều có nhu cầu cấp thiết về một giải pháp hòa bình.
Về phía Ukraine, sau gần ba năm giao tranh toàn diện, nước này đang phải đối mặt với những tổn thất nghiêm trọng về quân sự và lãnh thổ. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã công khai bày tỏ mong muốn tìm kiếm giải pháp, trong bối cảnh sự ủng hộ từ phương Tây đang có dấu hiệu suy giảm đáng kể.
Trong khi đó, mặc dù đang nắm thế thượng phong trên chiến trường, Nga cũng đang chịu những tác động nặng nề từ cuộc chiến. Nền kinh tế Nga đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng. Đồng rúp đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 115 rúp/USD vào đầu tháng 1 năm nay. Tỷ lệ lạm phát hộ gia đình cuối năm 2024 đã vượt 13%, trong khi lạm phát chung năm ngoái ở mức 9,5%.
Các chuyên gia kinh tế dự báo năm 2025, Nga sẽ phải đối mặt với tình trạng "đình lạm" (chỉ hiện tượng nền kinh tế đình đốn trong khi lạm phát cao), khủng hoảng ngân hàng và gia tăng phá sản. Tình hình càng trở nên khó khăn khi nền kinh tế Trung Quốc suy yếu đã làm giảm nhu cầu hàng hóa từ đối tác xuất khẩu lớn nhất của Nga.
Trong bối cảnh đó, một thỏa thuận hòa bình dưới thời chính quyền Trump mới có thể sẽ bao gồm việc Nga giữ lại khoảng 20% lãnh thổ Ukraine mà họ đang kiểm soát, ít nhất là trong ngắn hạn, và thiết lập khu phi quân sự giữa hai bên. Ukraine, dù muốn gia nhập NATO, có thể sẽ phải chấp nhận hoãn lại mục tiêu này, nhưng sẽ cần những "bảo đảm an ninh" chắc chắn từ phương Tây.
Trước bối cảnh đó, chiến lược của ông Trump được dự đoán sẽ là gây áp lực lên cả hai bên. Với Tổng thống Zelensky, ông Trump có thể đe dọa cắt viện trợ nếu Ukraine từ chối một thỏa thuận mà Nga chấp nhận. Ngược lại, với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Trump có thể cảnh báo sẽ tăng viện trợ cho Ukraine nếu Nga từ chối một thỏa thuận công bằng.
Mặc dù khó có thể đạt được thỏa thuận trong 24 giờ như ông Trump tuyên bố khi tranh cử, nhưng với tình hình hiện tại, cả Nga và Ukraine đều có động lực để tìm kiếm một giải pháp hòa bình. Nga cần chấm dứt những tổn thất về kinh tế và quân sự, trong khi Ukraine cần đảm bảo an ninh lâu dài cho đất nước. Dù vậy, thời gian thực tế để đạt được một thỏa thuận có thể sẽ kéo dài đến 24 tuần thay vì 24 giờ.
Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo kyivpost.com)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/y-nghia-cua-viec-ong-trump-chinh-thuc-tro-lai-nha-trang-doi-voi-cuoc-xung-dot-nga-ukraine-20250120231740913.htm