Với hơn 7.000 ngôn ngữ được sử dụng trên gần 200 quốc gia, thế giới có sự đa dạng ngôn ngữ đáng kinh ngạc. Điều này dẫn đến việc nhiều quốc gia có tên gọi trong tiếng mẹ đẻ khác với tên phổ biến trong tiếng Anh.
Ngày 21/2 hàng năm, Liên hợp quốc tổ chức Ngày Tiếng mẹ đẻ Quốc tế nhằm bảo tồn và bảo vệ các ngôn ngữ trên toàn thế giới.
Ngày này có nguồn gốc từ sự kiện năm 1952, khi sinh viên ở Dhaka biểu tình đòi công nhận tiếng Bengal là ngôn ngữ chính thức của Đông Pakistan (nay là Bangladesh). Cuộc biểu tình dẫn đến 4 sinh viên thiệt mạng và sau đó, vào năm 1956, tiếng Bengal chính thức được công nhận.
Ảnh minh họa: Unsplash
Tại châu Phi, nơi có gần 3.000 ngôn ngữ trên 54 quốc gia, nhiều tên quốc gia có nguồn gốc từ lịch sử thuộc địa hoặc ảnh hưởng của các thương nhân Bồ Đào Nha và Ả Rập.
Ai Cập tự gọi là "Masr" trong tiếng Ả Rập, xuất phát từ từ "Mizraim" trong kinh thánh, có thể mang nghĩa "biên giới" hoặc "cảng".
Liberia được đặt theo từ "liber" trong tiếng Latin, nghĩa là "tự do", phản ánh nguồn gốc của đất nước được thành lập bởi những người nô lệ Mỹ gốc Phi được giải phóng.
Nam Phi có tên gọi không chính thức là "Mzansi", từ tiếng Zulu có nghĩa là "phía nam".
Tại châu Á, Trung Quốc trong tiếng Trung được gọi là "Zhongguo", nghĩa là "quốc gia trung tâm", phản ánh quan điểm nước này là trung tâm của nền văn minh.
Ấn Độ có tên gọi bản địa là "Bharat", xuất hiện trong các kinh sách cổ, và cũng được gọi là "Hindustan", nghĩa là "vùng đất của người Hindu".
Nhật Bản trong tiếng Nhật là "Nihon" hoặc "Nippon", nghĩa là "nguồn gốc của mặt trời", phản ánh vị trí phía đông Trung Quốc.
Tại châu Âu, Albania được gọi là "Shqiperi" trong tiếng Albania, có thể xuất phát từ từ "shqiptar", nghĩa là "người Albania", hoặc "shqiponje", nghĩa là "đại bàng".
Hungary có tên bản địa là "Magyarorszag", với "Magyar" chỉ người Hungary và "orszag" có nghĩa là "quốc gia".
Ukraine có tên gốc "Ukrayina", nghĩa là "vùng biên giới", do nằm trên ranh giới nhiều đế chế.
Ở Bắc và Trung Mỹ, nhiều tên quốc gia phản ánh ảnh hưởng từ các cường quốc thực dân. Bahamas xuất phát từ "baja mar" trong tiếng Tây Ban Nha, nghĩa là "biển thấp".
Costa Rica có nghĩa là "Bờ biển giàu có", tên do Christopher Columbus đặt khi đến đây vào năm 1502.
Mexico có nguồn gốc từ "Mexihco" trong tiếng Nahuatl, có nghĩa là "nơi của người Mexica", ám chỉ dân tộc Aztec.
Châu Đại Dương cũng có nhiều tên gọi bản địa. Úc có nguồn gốc từ tiếng Latin "australis", nghĩa là "phía nam".
New Zealand trong tiếng Maori gọi là "Aotearoa", nghĩa là "Vùng đất của Đám mây trắng dài".
Tonga có nghĩa là "phía nam", phản ánh vị trí của quốc gia này ở Nam Thái Bình Dương.
Nam Mỹ, với hơn 200 ngôn ngữ, có nhiều tên quốc gia liên quan đến nước. Guyana xuất phát từ từ "Guiana", nghĩa là "vùng đất của nước".
Paraguay và Uruguay có nguồn gốc từ tiếng Guarani, với "par" nghĩa là sông và "guay" nghĩa là "phía bên này", còn Uruguay có thể mang nghĩa "dòng sông của những chú chim sơn".
Ngọc Ánh (theo AJ, NYT)