Các đại biểu tham dự hội thảo.
Chặng đường gần 50 năm sau ngày giải phóng (6/1/1975 - 6/1/2025) và 15 năm thành lập, Phước Long từ vùng đất “bom cày, đạn xới’’ trở thành đô thị trẻ, năng động. Điều đáng quý là người dân địa phương anh hùng trong kháng chiến càng năng động, sáng tạo trong xây dựng quê hương đổi mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của thị xã đạt khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp, thương mại-dịch vụ và nông nghiệp; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Bí thư Thị ủy Thị xã Phước Long Huỳnh Thị Thùy Trang mong muốn, hội thảo lần này là dịp để lắng nghe ý kiến trao đổi của các tướng lĩnh, sĩ quan, cựu chiến binh, các nhà khoa học, đặc biệt là các nhân chứng lịch sử đã trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại chiến trường Phước Long năm xưa. Từ đó, tiếp tục làm rõ và khẳng định ý nghĩa lịch sử và tầm vóc chiến lược của Chiến dịch đường 14-Phước Long, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu vận dụng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay, đồng thời, lan tỏa những giá trị to lớn, tinh thần bất khuất, kiên cường của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong Chiến dịch đường 14-Phước Long.
Bí thư Thị ủy Phước Long Huỳnh Thị Thùy Trang phát biểu tại hội thảo.
Chiến dịch Đường 14-Phước Long là 1 trong 3 chiến dịch có nhiệm vụ thăm dò chiến lược, trong đó, có yêu cầu trinh sát chiến lược, phục vụ trực tiếp cho mở đầu Đại thắng mùa xuân giải phóng hoàn toàn miền nam năm 1975.
Chiến dịch Đường 14-Phước Long cũng đã kết thúc với việc địch chịu thất thủ hoàn toàn tại tỉnh Phước Long, làm bộc lộ toàn bộ kết quả thất bại trong 6 năm kéo dài chiến tranh (bằng Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ). Chiến thắng Phước Long trong chiến dịch Đường 14-Phước Long kết thúc bằng lối tiến công vào hang ổ cuối cùng của địch, tạo ra áp lực lớn đối với địch ngay tại sào huyệt của chúng cho đến khi kết thúc chiến tranh.
Tại hội thảo, ngoài 33 bài tham luận, còn có nhiều ý kiến, trao đổi của các tướng lĩnh, sĩ quan, cựu chiến binh, các nhà khoa học, đặc biệt là các nhân chứng lịch sử nói về ý nghĩa, tầm vóc của chiến thắng Phước Long. Các đại biểu đều có chung nhận định Chiến thắng Đường 14-Phước Long nói lên khả năng mới nhất của quân và dân ta, khẳng định ta có đầy đủ tinh thần và lực lượng mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền nam.
Các nhân chứng lịch sử phát biểu tại hội thảo.
Chiến thắng Phước Long có thể coi là đòn trinh sát chiến lược cực kỳ xuất sắc và thành công, làm thay đổi cục diện trên địa bàn chiến lược quan trọng; làm thay đổi tương quan về thế và lực giữa ta và địch trên chiến trường miền Đông Nam Bộ; làm suy yếu hệ thống phòng ngự của địch trên cửa ngõ phía bắc Sài Gòn; thực tiễn diễn biến chiến trường cho ta hiểu biết chính xác khả năng của Mỹ và chính quyền, quân đội ngụy Sài Gòn; là nhân tố mới rất quan trọng để Hội nghị Bộ Chính trị khẳng định quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Hà Minh Hồng khẳng định: “Chiến dịch Đường 14-Phước Long giải phóng hoàn toàn một tỉnh ở miền nam, đưa đến quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền nam bằng sức mạnh của cả dân tộc “một ngày bằng 20 năm”. Chính Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư Lệnh các lực lượng vũ trang quân giải phóng miền nam Việt Nam từng nhận định “Không có chiến thắng Phước Long thì chưa có Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền nam ngày 30/4/1975”.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Hà Minh Hồng phát biểu tham luận tại hội thảo.
Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Đạo cho biết: “Sau chiến thắng Phước Long, Bộ Chính trị khẳng định: Chúng ta phải gấp rút chuẩn bị mọi mặt để kết thúc thắng lợi công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong năm 1975 hoặc 1976! Có thể nói, chiến thắng Phước Long đã trực tiếp góp phần vào quyết tâm giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc. Thực tiễn diễn biến của Đại thắng Mùa Xuân 1975 đã chứng minh điều đó.
Một góc đô thị Phước Long hôm nay.
Chiến thắng Phước Long là thành quả của quân và dân cả nước, trực tiếp là miền Đông Nam Bộ, là chiến thắng của lực lượng vũ trang ba thứ quân ở miền đông, là sức mạnh tổng hợp của cả quân và dân trong chiến dịch. Đó cũng là thành quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, sự chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền.
Thực tiễn chiến dịch cho thấy, Trung ương hết sức coi trọng và phát huy vai trò của tập thể và các lãnh đạo trực tiếp trên chiến trường; lãnh đạo, chỉ huy trên chiến trường hết sức tuân thủ ý đồ chiến lược và sự chỉ đạo của Trung ương. Sự kết hợp này đã trở thành truyền thống và kinh nghiệm quý giá cho toàn Đảng và toàn dân ta trước kia cũng như hiện nay.
Nhất Sơn