Căn cứ Công văn số 1581/UBND- NC ngày 19/4/2025 của UBND TP Hà Nội về việc phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP để thực hiện lấy ý kiến Nhân dân và tổ chức kỳ họp HĐND các cấp, huyện Đan Phượng từ 16 đơn vị hành chính cấp xã được sắp xếp, thành lập 3 đơn vị hành chính cấp cơ sở gồm: xã Đan Phượng, xã Ô Diên và xã Thọ Lão.
Sau sắp xếp, huyện Đan Phượng còn 3 đơn vị hành chính cơ sở cấp xã.
Trong đó, xã Đan Phượng hình thành từ diện tích và dân số các xã Đan Phượng, Song Phượng, Đồng Tháp, thị trấn Phùng và một phần diện tích tự nhiên và dân số của xã Đức Thượng (Hoài Đức). Xã Đan Phượng có diện tích tự nhiên: 15,73km2; quy mô dân số 39.917 người.
Xã Đan Phượng được lấy theo tên của huyện Đan Phượng hiện nay (tên Đan Phượng đã có từ trước đời Trần); tên gọi này thể hiện được yếu tố lịch sử truyền thống của vùng đất.
Ngoài là tên gọi của huyện hiện nay, tên Đan Phượng còn gắn bó với lịch sử của các xã được sáp nhập bởi đầu thế kỷ XIX, huyện Đan Phượng thuộc phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây có các tổng trong đó tổng Đan Phượng Thượng gồm 9 xã, thôn là Đông Khê, Đoài Khê, Bãi Đồng, Thụy Ứng, Tháp thượng, Mỗ Thượng, Đại Phùng, Phượng Trì, Thu Quế (nay thuộc các xã Đan Phượng, Song Phượng, Đồng Tháp, thị trấn Phùng, Thượng Mỗ).
Xã Ô Diên được hình thành từ toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Hạ Mỗ (Đan Phượng), phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Hồng Hà, Liên Hồng, Liên Hà, Liên Trung, Tân Lập, Tân Hội (Đan Phượng); một phần diện tích tự nhiên và dân số của phường Tây Tựu (Bắc Từ Liêm) và các xã: Văn Khê (Mê Linh), Đức Thượng (Hoài Đức). Xã Ô Diên có diện tích tự nhiên 32,65km2; quy mô dân số 83.835 người.
Xã Ô Diên được lấy tên thành cổ Ô Diên - một trong những di tích cổ quan trọng nhất của Hà Nội thời kỳ tiền Thăng Long. Chính vì vậy, lấy tên Ô Diên vừa thể hiện được truyền thống của một vùng đất cổ, vừa có giá trị văn hóa, lịch sử.
Thành Ô Diên là tên một địa danh lịch sử ở xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng. Trong thời Tiền Lý, vào thế kỷ VI, thành Ô Diên giữ vị trí hết sức quan trọng trong cuộc kháng chiến chống xâm lăng của giặc phương Bắc. Để đề phòng nhà Tùy xâm lược, Lý Phật Tử đã củng cố ba thành là thành Cổ Loa do Lý Phật Tử đóng giữ, thành Long Biên do Lý Đại Quyền đóng giữ, thành Ô Diên do Lý Phổ Đỉnh đóng giữ. Từ khoảng năm 557 - 602, thành Ô Diên có vị trí đặc biệt quan trọng, được coi là kinh đô của Nhà nước Vạn Xuân.
Xã Thọ Lão hình thành từ toàn bộ diện tích và dân số của các xã: Trung Châu, Phương Đình (Đan Phượng); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Thọ An, Thọ Xuân (Đan Phượng); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Tiến Thịnh (Mê Linh), Hạ Mỗ (Đan Phượng). Xã Thọ Lão có diện tích tự nhiên: 23,79km2; quy mô dân số 60.370 người.
Xã Thọ Lão việc lấy tên gọi này dựa trên yếu tố tên tổng Thọ Lão (trước năm 1945) gồm các xã Thọ Xuân, Thọ An và các thôn Chu Phan, Hưu Trưng, Vân Môn, Yên Châu, Nại Sa xã Trung Châu (Làng xã ngoại thành Hà Nội - 1981).
Huyện Đan Phượng tổ chức lấy ý kiến Nhân dân theo hướng dẫn của UBND TP thời gian hoàn thành trước ngày 22/4/2025 và tổ chức kỳ họp HĐND cấp xã, cấp huyện để thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp cơ sở thời gian hoàn thành trước ngày 26/4/2025.
Thiên Tú