- Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên – Trung tâm từ điển học Vietlex): “thấy có lợi thì tranh phần trước, khi gặp khó khăn lại đùn đẩy cho người khác [hành động của kẻ ích kỉ, khôn lỏi]”.
- Từ điển tục ngữ Việt (Nguyễn Đức Dương – NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh): “Ăn cỗ đi trước; lội nước đi sau. Ăn cỗ thì nên đi trước (cho khỏi bị mất phần); lội nước thì nên theo chân kẻ khác (cho khỏi bị sa xuống vực). Hay dùng để nhắc mọi người hãy hành xử cho khôn khéo để vừa khỏi bị mất ăn, vừa đỡ bị nguy đến tính mạng”.
- Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Vũ Dung – Vũ Thúy Anh – Vũ Quang Hào – NXB Văn học): “Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau [Ăn đi trước, lội nước đi sau] Ăn cỗ đi trước để nhận phần hơn, lội nước đi sau để tránh chỗ lầy thụt hoặc có gì nguy hiểm; Một phương châm của kẻ ích kỉ, khôn lỏi, thấy có quyền lợi vội tranh trước, gặp khó khăn lại đùn đẩy cho người khác”.
Trong thực tế, câu tục ngữ thường được dùng với nghĩa như từ điển đã giảng. Tuy nhiên, theo chúng tôi, ban đầu “Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau” không phải là một câu mang nghĩa tiêu cực như vậy. Sau đây, xin có đôi điều bàn thêm, đặc biệt là cách giảng của Từ điển tục ngữ Việt (Nguyễn Đức Dương).
1 - “Ăn cỗ đi trước...”
Thực ra, “ăn cỗ đi trước” không phải vì “cho khỏi bị mất phần”. Vì thông thường đã gọi “ăn cỗ” là đi ăn theo lời mời, có bao nhiêu thực khách đã được gia chủ dự tính trước. Trường hợp có phát sinh, chủ nhà cũng phải tìm cách lo bằng hết. Với người đến sau thì gia chủ sẽ không xếp vào cùng mâm với những người đến trước và đang ăn. Bởi thế, chẳng ai ăn mất phần của ai (tục ngữ có câu Ăn cỗ có phần là vậy).
Tuy nhiên, theo lẽ thường, đình đám hay giỗ chạp gì đó, sự tiếp đón lúc đầu bao giờ cũng chu đáo, nồng hậu hơn; đồ ăn thức uống, cỗ bàn cũng nóng sốt, tươm tất, ngon lành hơn (lời tục ngữ Không ngon cũng thể sốt, không tốt cũng thể mới). Thế nên kinh nghiệm dân gian, nếu được mời dự cỗ bàn đình đám gì, thì nên đi sớm, đi trước, không nên đi muộn, đi sau. Một khi tiệc đã gần tàn, kẻ đến sau, đến muộn sẽ lạc lõng, vô duyên, phải ngồi đợi “gom” người cho đủ để xếp mâm, hoặc làm khó cho gia chủ khi phải tiếp khách lẻ. “Ăn cỗ đi trước” là như vậy.
2 - “...Lội nước đi sau”
Với chuyện “lội nước” thì ngược lại với “ăn cỗ”, nên đi chậm, đi sau, không việc gì phải vội vàng. Nghĩa là với “lội nước” thì không nên hăm hở, xăm xăm đi ẩu, đi bừa, mà nên thận trọng, dò dẫm, dè chừng từng bước xem có hố sâu, hay chông gai gì phía trước không (không phải “cho khỏi bị sa xuống vực” như soạn giả Nguyễn Đức Dương giải thích).
Thực tế khi lội nước, nếu không có người đi trước, thì người ta sẽ dùng cái gậy để chống về phía trước thăm dò. Bằng không, người ta cũng sẽ dùng bàn chân đưa ra phía trước dò dẫm, nếu thấy an toàn thì mới bước lên, rồi lại tiếp tục dẫm nhẹ thăm dò. Cứ vậy, vừa đi vừa lần mò tìm chỗ an toàn, tránh khỏi xỉa chân xuống chỗ sâu, chỗ gai chông khó khăn.
Trong thực tế thì khi chuẩn bị đi đình đám, dự cỗ bàn, người ta vẫn nhắc nhau nên khẩn trương đến sớm, vì “ăn cỗ đi trước”; còn khi phải di chuyển trong điều kiện ngập lụt, thì lại lấy ý “lội nước đi sau” để nhắc nhau nên thận trọng, từ từ mà đi.
3 - “Ăn cỗ” và “lội nước”
Ở đây “ăn cỗ” và “lội nước” là hai tình huống khác nhau, hai lối ứng xử, đối phó trái ngược nhau. “Ăn cỗ” thì nên đi trước, đi sớm (tác phong nên nhanh nhẹn, không chậm trễ, muộn màng); “lội nước” thì nên từ từ, thận trọng (cách thức tiến hành cần có sự quan sát, thăm dò). Nếu giảng “hãy hành xử cho khôn khéo để vừa khỏi bị mất ăn, vừa đỡ bị nguy đến tính mạng”, như Nguyễn Đức Dương khiến người ta tưởng “ăn cỗ” và “lội nước” diễn ra ở một toán người cùng đi ăn cỗ với nhau và ứng xử như vậy thì kẻ khôn lỏi sẽ vẹn cả đôi đường.
Như vậy, câu Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau, nên được hiểu đa chiều, ngoài nghĩa tiêu cực như vẫn thường thấy, chúng ta nên xét nghĩa tích cực, là kinh nghiệm xử thế ẩn chứa bên trong không kém phần sâu sắc của dân gian.
Mẫn Nông (CTV)