Ý nghĩa và những câu chuyện thú vị đằng sau tên gọi của các quốc gia

Ý nghĩa và những câu chuyện thú vị đằng sau tên gọi của các quốc gia
5 giờ trướcBài gốc
Theo kênh Al Jazeera, hiện có hơn 7.000 ngôn ngữ được sử dụng trên toàn cầu tại gần 200 quốc gia.
Tính đa dạng ngôn ngữ này ảnh hưởng đến cách các quốc gia tự gọi mình, trong đó nhiều nước sử dụng tên gọi bằng ngôn ngữ bản địa khác với phiên bản phổ biến trong tiếng Anh.
Hằng năm, vào ngày 21/2, Liên hợp quốc tổ chức Ngày Quốc tế về Ngôn ngữ Mẹ đẻ nhằm thúc đẩy bảo tồn và bảo vệ tất cả các ngôn ngữ được các dân tộc trên thế giới sử dụng.
Ngày này đánh dấu một sự kiện lịch sử vào năm 1952, khi các sinh viên tại Dhaka biểu tình để yêu cầu công nhận tiếng Bengal là ngôn ngữ chính thức của Đông Pakistan, nay là Bangladesh. Bốn sinh viên đã thiệt mạng, dẫn đến các cuộc biểu tình quy mô lớn, cuối cùng khiến tiếng Bengal được công nhận là ngôn ngữ chính thức vào năm 1956.
Châu Phi: Từ Masr của Ai Cập đến Mzansi của Nam Phi
Ý nghĩa tên của các quốc gia châu Phi. Ảnh: Al Jazeera
Châu Phi, nơi có gần 3.000 ngôn ngữ được sử dụng ở khắp 54 quốc gia, là một trong những khu vực đa dạng ngôn ngữ nhất thế giới.
Nhiều tên quốc gia châu Phi bắt nguồn từ lịch sử thuộc địa, số khác chịu ảnh hưởng từ các thương nhân và nhà buôn người Bồ Đào Nha và Arab.
Ai Cập, một trong những quốc gia cổ xưa nhất châu Phi, có tên là Masr trong tiếng Arab. Cái tên này xuất phát từ Mizraim - tên gọi của nền văn minh cổ đại dành cho khu vực này, cũng có thể mang nghĩa là “biên giới” hoặc “hải cảng”.
Liberia lấy tên từ từ “liber” trong tiếng Latinh, nghĩa là “tự do”, phản ánh nguồn gốc của quốc gia này khi những người thành lập vốn là những nô lệ châu Phi được Mỹ trả tự do vào những năm 1820.
Ở Nam Phi, Mzansi là cách gọi phổ biến và thân mật của đất nước này. Thuật ngữ này có nguồn gốc từ tiếng Zulu, trong đó “uMzansi” có nghĩa là “phía Nam”.
Châu Á: “Vương quốc Trung tâm” và “Nguồn gốc của Mặt trời”
Châu Á, nơi sinh sống của khoảng 4,8 tỷ người, là trung tâm ngôn ngữ với hơn 2.300 ngôn ngữ được sử dụng trên lục địa lớn nhất thế giới.
Tên tiếng Anh của Trung Quốc bắt nguồn từ triều đại Tần. Tuy nhiên, trong nước, Trung Quốc được gọi là “Zhongguo”, có nghĩa là “Vương quốc Trung tâm” hoặc “Đất nước trung tâm”, phản ánh quan niệm truyền thống của người Trung Quốc coi đất nước mình là trung tâm của nền văn minh.
Ở Ấn Độ, quốc gia này thường được gọi là Bharat, một thuật ngữ trong tiếng Phạn xuất hiện trong các văn tự cổ cách đây khoảng 2.000 năm. Một tên gọi khác là Hindustan, trong tiếng Urdu có nghĩa là “vùng đất của người Hindu”. Tên tiếng Anh “India” bắt nguồn từ sông Indus, một yếu tố quan trọng trong nền văn minh Ấn Độ cổ đại.
Trong tiếng Nhật, Nhật Bản được gọi là Nihon hoặc Nippon. Tên này xuất phát từ ký tự “ni” nghĩa là “Mặt trời” và “hon” nghĩa là “nguồn gốc”, do đó Nihon hoặc Nippon có nghĩa là “nguồn gốc của Mặt trời”. Điều này liên quan đến vị trí của Nhật Bản ở phía Đông Trung Quốc, nơi Mặt trời mọc, đồng thời giải thích biệt danh “Đất nước Mặt trời mọc”.
Châu Âu: Shqipëri của Albania, Magyarország của Hungary
Ý nghĩa tên của các quốc gia châu Âu. Ảnh: Al Jazeera
Châu Âu, với hơn 40 quốc gia và nhiều ngôn ngữ, có nhiều tên gọi khác biệt đáng kể so với phiên bản tiếng Anh.
Albania được gọi là Shqipëri trong tiếng Albania. Cái tên này bắt nguồn từ “shqiptar”, từ có nghĩa là người Albania, hoặc có thể liên quan đến từ “shqiponjë”, nghĩa là “đại bàng”, loài chim biểu tượng quốc gia của Albania.
Hungary trong tiếng Hungary là Magyarország. “Magyar” chỉ người Hungary, còn “ország” nghĩa là “đất nước”, do đó Magyarország có nghĩa là “Vùng đất của người Magyars”. Tên “Hungary” trong tiếng Anh bắt nguồn từ Hungaria trong tiếng Latinh, thuật ngữ mà người La Mã dùng để chỉ khu vực này.
Tên gọi Ukraine xuất phát từ từ “Ukrayina” trong tiếng Slav cổ, có nghĩa là “vùng biên giới” hoặc “khu vực”, phản ánh vị trí lịch sử của Ukraine ở tiền tuyến của nhiều đế chế và vương quốc khác nhau.
Bắc Mỹ và Trung Mỹ: “Biển thấp” và “Nơi của người Mexica”
Tương tự châu Phi, phần lớn tên quốc gia ở Bắc Mỹ và Trung Mỹ chịu ảnh hưởng từ các cường quốc thực dân, chủ yếu là Tây Ban Nha, Anh, Pháp và Bồ Đào Nha.
The Bahamas là nơi nhà thám hiểm người Italy Christopher Columbus lần đầu tiên tuyên bố chủ quyền vùng đất này cho vương triều Tây Ban Nha vào năm 1492. Khu vực này sau đó được đổi tên thành Bahamas, xuất phát từ cụm từ “baja mar” trong tiếng Tây Ban Nha, có nghĩa là “biển thấp”.
Tương tự, Costa Rica, trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “Bờ biển Giàu có”, được cho là do Christopher Columbus đặt tên khi ông đến bờ biển của quốc gia này vào năm 1502, có lẽ vì nơi này có nhiều vàng và các tài nguyên khác mà ông tìm thấy ở đó.
Mexico có tên gọi xuất phát từ từ “Mexihco” trong tiếng Nahuatl, chỉ trung tâm Đế chế Aztec quanh thủ đô Tenochtitlan, nay là Thành phố Mexico. Nghĩa là “nơi của người Mexica”, cái tên này phản ánh di sản bản địa sâu sắc của Mexico trước khi bị ảnh hưởng bởi Tây Ban Nha.
Châu Đại Dương: Aotearoa của New Zealand, “phía Nam” của Tonga
Châu Đại Dương gồm 14 quốc gia, nhiều nước vẫn sử dụng tên bản địa ngay cả trong tiếng Anh, dù cách viết có thể khác nhau.
Australia lấy tên từ từ “australis” trong tiếng Latinh, nghĩa là “phía Nam”, phản ánh vị trí ở Nam Bán cầu. Người làm cho cái tên này trở nên phổ biến là nhà hàng hải người Anh Matthew Flinders, người đã sử dụng tên này để chỉ vùng đất khi ông đi vòng quanh lục địa đó vào đầu những năm 1800. Trước đó, lục địa này thường được các nhà thám hiểm châu Âu gọi là “New Holland”.
Trong tiếng Maori, New Zealand được gọi là Aotearoa, thường được dịch là “Vùng đất của đám mây trắng dài”, mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc với người Maori.
Tên Tonga, có nguồn gốc từ ngôn ngữ bản địa của người Tonga, có nghĩa là “phía nam” hoặc “miền nam”, phản ánh vị trí của quốc đảo này ở Nam Thái Bình Dương. Tên đầy đủ Vương quốc Tonga dùng để chỉ chính các hòn đảo này, nằm ở phía Nam của các quần đảo Thái Bình Dương khác như Fiji và Samoa.
Nam Mỹ: “Vùng đất của nước”
Guyana là quốc gia duy nhất ở Nam Mỹ có tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức, với tên gọi xuất phát từ từ “Guiana” trong ngôn ngữ bản địa, có nghĩa là “vùng đất của nước”.
Tương tự, Paraguay có tên gọi xuất phát từ tiếng Guarani, trong đó “par” có nghĩa là “sông” và “guay” có nghĩa là “bên này”. Trong khi đó, Uruguay lấy tên từ sông Uruguay, cũng được cho là bắt nguồn từ tiếng Guarani, có thể mang nghĩa “dòng sông của những con chim sơn màu” hoặc theo một cách hiểu khác là “dòng sông của những con ốc sơn màu”.
Tên gọi Venezuela xuất phát từ “Veneziola” trong tiếng Italy, có nghĩa là “Venice nhỏ”, do các nhà thám hiểm Tây Ban Nha đặt khi thấy những ngôi nhà sàn của người bản địa trên Hồ Maracaibo, trông giống Venice ở Italy.
Thùy Dương/Báo Tin tức
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/ho-so/y-nghia-va-nhung-cau-chuyen-thu-vi-dang-sau-ten-goi-cua-cac-quoc-gia-20250223164618634.htm