Y tế số chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Y tế số chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
7 giờ trướcBài gốc
Một buổi sinh hoạt khoa học chia sẻ kiến thức cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)
"Có công nghệ, mọi thứ trở nên tiện lợi hơn"
Bà Chuân vừa trải qua một đợt điều trị xuất huyết dạ dày tại bệnh viện địa phương, tuy nhiên tuyến dưới không tìm được ra nguyên nhân của xuất huyết. Vì vậy, bà quyết định xuống Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để thăm khám và kiểm tra lại.
Các con đều bận công việc nên bà tự đi một mình. Nhờ được người quen hướng dẫn, bà lên trang web của bệnh viện để đặt lịch khám.
"Lần đầu tiên một mình đi khám bệnh, lúc đầu, tôi cũng thấy lo lắng. Nhưng xuống đến đây, do đã đặt lịch khám từ trước nên mọi thủ tục diễn ra nhanh. Tôi chỉ cần cầm phiếu số và đi đến số phòng theo hướng dẫn của nhân viên y tế, ngồi chờ đến lượt tên hiện trên màn hình điện tử trước cửa phòng khám là vào.
Làm các xét nghiệm, nội soi hay siêu âm xong, nhân viên y tế đều dặn kết quả sẽ được chuyển qua hệ thống trực tiếp cho bác sĩ khám ban đầu, tôi không phải cầm theo một xấp giấy tờ, chạy lên chạy xuống. Việc thanh toán chỉ cần quét mã QR là xong. Có công nghệ mọi thứ trở nên tiện lợi hơn nhiều", bà Chuân cho biết.
Không chỉ trong thăm khám, việc điều trị, theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi cũng trở nên thuận tiện hơn nhờ y tế số. Bà Lê Thị Tích (65 tuổi, ở huyện Thường Tín, Hà Nội) phát hiện bị viêm tụy và tiểu đường. Bà đã được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cách đây 2 năm.
Sau đó mỗi tháng một lần, bà Tích lại vào bệnh viện để tái khám và lấy thuốc. Những ngày đầu, việc tuân thủ chế độ ăn uống là một thử thách đối với bà khi có quá nhiều thứ phải ghi nhớ, phải kiêng cữ.
"Bệnh viện hay tổ chức các buổi chia sẻ kiến thức y khoa giữa bác sĩ, nhân viên y tế với người nhà bệnh nhân. Các nội dung liên quan đến chế độ chăm sóc dinh dưỡng, ăn uống, sử dụng thuốc, phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm đều được các bác sĩ làm ngắn gọn, chiếu trên màn hình lớn cùng lời thuyết minh.
Kết nối khám chữa bệnh từ xa giữa Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và tuyến dưới
Tham gia nhiều nên tôi cũng nhớ, thuộc hết kiến thức quan trọng. Nếu về nhà có quên thì đã có mã QR của khoa, chỉ cần quét qua Zalo là có thể xem lại, rất thuận tiện", bà Tích chia sẻ.
Thách thức từ già hóa dân số
Là một trong những bệnh viện đầu ngành về điều trị lão khoa trong cả nước, mỗi ngày, Bệnh viện Lão khoa Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận 500-700 bệnh nhân cao tuổi đến thăm khám và điều trị. Theo PGS.TS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, bệnh viện đã từng bước ứng dụng công nghệ vào mọi mặt.
"Quá trình khám chữa bệnh hiện nay thực hiện kê đơn thuốc điện tử, bệnh án điện tử, khi có QR code, người bệnh, gia đình người bệnh cũng xem được. Các bác sĩ đều xem và tham gia hội chẩn được. Điều này có thể giúp tiết kiệm được một nửa thời gian so với trước đây", PGS.TS Nguyễn Trung Anh cho hay.
Theo PGS.TS Đào Xuân Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, hiện các bệnh viện và cơ sở y tế ứng dụng công nghệ thông tin để lưu trữ toàn bộ dữ liệu và bệnh án trên hệ thống trực tuyến.
Nhờ đó, người bệnh và gia đình bệnh nhân có thể dễ dàng quản lý và theo dõi thông tin y tế xuyên suốt. Tất cả thông tin liên quan đến người cao tuổi, bao gồm thông tin cá nhân, số lần khám, kết quả xét nghiệm, chẩn đoán và đơn thuốc điện tử, đều được số hóa và lưu trữ một cách khoa học theo cấp độ bảo mật cao, được quản lý theo mã số riêng biệt.
Theo Bộ Y tế, khoảng 95% người cao tuổi Việt Nam mắc ít nhất 1 bệnh. Trung bình 1 người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh, đa số là bệnh lý mạn tính nên nhu cầu chăm sóc y tế dài hạn của người cao tuổi ngày càng tăng.
Trong khi đó, với tốc độ già hóa dân số nhanh như hiện nay, ước tính vào năm 2039, số người cao tuổi tại nước ta đạt 16,8 triệu. Đây là thách thức lớn trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Vì vậy, theo bác sĩ Mai Xuân Phương, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông Dân số, Tổng cục Dân số (nay là Cục Dân số, Bộ Y tế), tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi là giải pháp quan trọng cần được đẩy mạnh.
"Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030. Y tế số sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Hằng năm, người cao tuổi cần được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần; 100% người cao tuổi phải được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe qua hệ thống công nghệ thông tin, được phát hiện điều trị quản lý các bệnh không lây nhiễm", bác sĩ Phương nói.
Anh Đào
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/y-te-so-cham-soc-suc-khoe-nguoi-cao-tuoi-20241023124301577.htm