Y tế thời đại mới: Sẽ có sổ sức khỏe điện tử, khám miễn phí mỗi năm cho người dân

Y tế thời đại mới: Sẽ có sổ sức khỏe điện tử, khám miễn phí mỗi năm cho người dân
10 giờ trướcBài gốc
Những thách thức ‘chưa từng có’
Chiều 8/7, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long chủ trì cuộc họp về dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Về phạm vi, theo Phó Thủ tướng, có 3 nhóm việc lớn: Một là vấn đề dân số, hai là chăm sóc sức khỏe, theo nghĩa rộng là môi trường sống ra sao, ăn uống thế nào, thể dục ra sao… và ba là ốm thì phải được chữa bệnh.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng nhắc lại yêu cầu của Tổng Bí thư về xây dựng dự thảo Nghị quyết phải đạt các yêu cầu: Một là mang tính chiến lược; hai là mang tính hành động và đột phá, và thứ ba, bảo đảm tính khả thi.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trước yêu cầu của kỷ nguyên mới, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đang đối mặt với những thách thức chưa từng có. Đó là gánh nặng kép của bệnh tật, sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm, tình trạng già hóa dân số và những yêu cầu ngày càng cao của người dân về chất lượng dịch vụ y tế.
Ngoài ra, những "điểm nghẽn", "nút thắt" về thể chế, cơ chế tài chính, nguồn nhân lực, năng lực y tế cơ sở, tự chủ cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế... vẫn đang là những rào cản lớn. Thực tiễn đòi hỏi chúng ta phải có những tư duy mới, cách làm mới và những giải pháp mang tính đột phá.
Bộ trưởng cho rằng, Nghị quyết lần này phải khắc phục được tình trạng "chính sách tốt, nhưng triển khai yếu", phải mang tính hành động (nói cách khác đây là Nghị quyết để thực hiện Nghị quyết).
Huy động tư nhân tham gia
Dự thảo Nghị quyết do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương trình bày nêu rõ, mục tiêu đề ra trong 5 năm 2025 -2030, mỗi năm tăng cường ít nhất 1.000 bác sĩ về làm việc có thời hạn tại y tế cơ sở. Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc y tế giảm còn 30%.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan tại cuộc họp. Ảnh: VGP
Từ năm 2026, mỗi người dân được khám sức khỏe định kỳ hoặc khám sàng lọc theo yêu cầu chuyên môn miễn phí ít nhất mỗi năm 1 lần; được lập sổ sức khỏe điện tử để quản lý sức khỏe theo vòng đời.
Góp ý thêm cho dự thảo, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho rằng, cần tập trung xây dựng các trung tâm y tế chuyên sâu; phát huy đào tạo bác sĩ nội trú theo hướng đào tạo tinh hoa, chất lượng đặc biệt cao. Ông cho rằng, cần tạo điều kiện để y tế tư nhân tham gia vào dịch vụ công.
Cùng quan điểm, GS.TS. Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam nhất trí cho rằng, cần thúc đẩy mạnh mẽ sự tham gia của kinh tế tư nhân vào lĩnh vực y tế. "Cần có các chính sách đột phá để doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào y tế vùng sâu, vùng xa", GS.TS. Nguyễn Văn Đệ nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Huy Ngọc cho rằng, tiền lương cho cán bộ y tế cơ bản như các ngành khác, chưa có gì khác biệt, trong khi nghề y là nghề đặc biệt, cần chính sách đãi ngộ đặc biệt cho ngành y tế.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị, cần xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí về sức khỏe khi hoạch định các chính sách, ít nhất là đối với các chính sách cơ bản.
Đồng thời, ông lưu ý, cần nghiên cứu, làm rõ các đột phá về đầu tư, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế và có số liệu cụ thể đi kèm.
Luân Dũng
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/y-te-thoi-dai-moi-se-co-so-suc-khoe-dien-tu-kham-mien-phi-moi-nam-cho-nguoi-dan-post1758609.tpo