Nhiều công ty bày tỏ quan tâm đến trình duyệt phổ biến nhất thế giới này khi đứng trước tòa. Ảnh: Techweez.
Yahoo đang phát triển nguyên mẫu của một trình duyệt web mới và tuyên bố sẵn sàng mua lại Chrome, nếu tòa án buộc Google phải bán trình duyệt này để giải quyết tình trạng độc quyền thị trường tìm kiếm.
Thông tin này xuất hiện trong ngày thứ 4 của phiên xử về biện pháp khắc phục vị thế độc quyền của Google. Một trong những đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ là yêu cầu Google phải tách Chrome khỏi công ty mẹ. Cơ quan lập luận rằng Chrome là kênh phân phối then chốt cho công cụ tìm kiếm của Google và đã tích lũy quá nhiều quyền lực khiến các đối thủ khó có thể cạnh tranh, The Verge đưa tin.
Không chỉ có Yahoo tỏ ý muốn mua lại Chrome. CEO của DuckDuckGo thừa nhận họ không đủ khả năng tài chính để làm điều đó. Còn các nhân chứng từ Perplexity và OpenAI đều bày tỏ sự quan tâm đến trình duyệt phổ biến nhất thế giới này khi đứng trước tòa.
Yahoo xem việc sở hữu một trình duyệt web là cánh cổng chiến lược cho thị trường tìm kiếm. Tổng Giám đốc Yahoo Search Brian Provost khai trước tòa rằng khoảng 60% truy vấn tìm kiếm hiện nay được thực hiện thông qua trình duyệt, trong đó rất nhiều người tìm kiếm trực tiếp từ thanh địa chỉ.
Do đó, ông cho biết Yahoo đã bắt đầu “tích cực phát triển nội bộ nguyên mẫu trình duyệt” từ mùa hè năm ngoái nhằm tìm hiểu những điều cần thiết để đưa sản phẩm ra thị trường. Ông cũng tiết lộ Yahoo đang "đàm phán liên tục” với một số công ty để mua lại một trình duyệt hiện hữu. Ông từ chối tiết lộ danh tính các đối tác tiềm năng.
Theo ước tính của Provost, việc hoàn thiện nguyên mẫu trình duyệt riêng sẽ mất khoảng 6-9 tháng. Tuy nhiên, nếu được mua lại, Chrome sẽ đẩy nhanh quá trình Yahoo vươn lên. Provost gọi Chrome là “tay chơi chiến lược quan trọng nhất trên web hiện nay” và ước tính thị phần tìm kiếm của Yahoo có thể tăng từ mức 3% hiện tại lên 2 con số nếu có nó trong tay.
Dù thừa nhận mức giá có thể lên đến hàng chục tỷ USD, ông tự tin Yahoo sẽ có thể huy động được nguồn vốn cần thiết với sự hậu thuẫn từ công ty mẹ Apollo Global Management. Apollo vốn đang sở hữu thương hiệu trình duyệt NetScape. Đây từng là tâm điểm của một vụ kiện chống độc quyền khác. Nhưng Provost khẳng định nó không phải là một trình duyệt còn hoạt động tích cực trên thị trường hiện nay.
Trong khi đó, một đối thủ khác cũng đang sẵn sàng nhảy vào thương vụ béo bở này là Perplexity. Công ty này còn chưa đầy 3 năm tuổi, nhưng đang tìm cách xác lập vị thế trong lĩnh vực tìm kiếm bằng AI.
Giám đốc Kinh doanh Dmitry Shevelenko của Perplexity khai trước tòa rằng ông vốn không muốn tham gia phiên điều trần về độc quyền của Google vì sợ bị trả đũa. Nhưng khi đã bị trát hầu tòa, ông tận dụng cơ hội để trình bày một cơ hội kinh doanh lớn là mua lại Chrome.
Nếu thẩm phán đồng tình với quan điểm của Bộ Tư pháp, Google có thể bị buộc phải tách Chrome ra khỏi tập đoàn mẹ bao gồm cả Chromium. Đây là trình duyệt mã nguồn mở mà nhiều trình duyệt khác dựa vào để xây dựng sản phẩm.
Google cảnh báo rằng việc áp đặt giải pháp này là “chơi với lửa”, bởi chủ sở hữu mới có thể tính phí sử dụng hoặc không đủ năng lực duy trì chất lượng sản phẩm, từ đó gây ảnh hưởng dây chuyền đến toàn bộ ngành công nghiệp trình duyệt.
Nhưng Perplexity cho rằng họ có thể đảm nhiệm vai trò đó. Khi được hỏi liệu có công ty nào khác ngoài Google có thể vận hành Chrome ở quy mô lớn mà không làm giảm chất lượng hoặc bắt người dùng trả phí, Shevelenko trả lời: “Tôi nghĩ chúng tôi làm được".
Đây không phải lần đầu tiên Perplexity tự đưa tên mình vào danh sách những công ty muốn tiếp quản các nền tảng công nghệ lớn đang gặp rắc rối với chính phủ Mỹ. Công ty cũng từng bày tỏ mong muốn mua lại TikTok. Ứng dụng video này đang bị đe dọa cấm hoạt động tại Mỹ vì lo ngại an ninh quốc gia do có liên kết với ByteDance - công ty mẹ có trụ sở tại Trung Quốc.
Thúy Liên