Năm 2024, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) có 386 hộ gia đình nghèo được hỗ trợ làm nhà.
Hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người nghèo
Mơ ước về một ngôi nhà kiên cố để bảo vệ gia đình khỏi thiên tai với nhiều người vẫn còn là điều xa vời. Song với sự hỗ trợ của Nhà nước và tỉnh Yên Bái, giấc mơ của nhiều người dân dần trở thành hiện thực.
Thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2023 - 2025 của UBND tỉnh Yên Bái, năm 2024, huyện Trạm Tấu có 386 hộ gia đình được hỗ trợ. Trong đó có 285 nhà làm mới, 101 nhà sửa chữa với kinh phí trên 20 tỷ đồng. Mặc dù bị ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 nhưng với sự chung tay của cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn và sự đồng thuận của nhân dân, đến nay tiến độ thực hiện xây dựng nhà cơ bản hoàn thành.
Gia đình anh Thào A Chú, dân tộc Mông ở thôn Háng Tây, xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu là hộ nghèo của xã với 5 nhân khẩu; thu nhập của gia đình chủ yếu dựa vào làm nông, lâm nghiệp và đi làm thuê. Thu nhập thấp, chỉ đủ trang trải cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, nên ước mơ về một ngôi nhà kiên cố, khang trang là điều xa vời đối với anh Chú.
Năm 2024, niềm vui đến với gia đình anh Thào A Chú khi được xã Pá Lau rà soát và đưa vào diện xóa nhà dột nát theo đề án hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh Yên Bái. Với số tiền hỗ trợ 60 triệu đồng từ đề án, anh Chú có động lực để vay mượn thêm làm nhà. Sau hơn 3 tháng thi công, ngôi nhà rộng gần 100m2 của gia đình anh Chú được hoàn thiện.
Ngôi nhà kiên cố, khang trang giúp các hộ dân nghèo ở Yên Bái yên tâm sinh sống và vươn lên phát triển kinh tế.
Ngắm nhìn ngôi nhà mơ ước bấy lâu nay, anh Thào A Chú xúc động chia sẻ: "Mình chưa bao giờ nghĩ gia đình lại có ngôi nhà khang trang như này. Có nhà mới mình rất yên tâm bởi trời mưa gió đi làm ăn xa không phải lo cho vợ con nữa. Mình biết ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp tỉnh Yên Bái đã giúp mình thực hiện ước mơ, mình sẽ phấn đấu lao động để vươn lên thoát nghèo".
Ông Giàng A Su, Phó Chủ tịch UBND xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu cho biết: Pá Lau là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu với tỷ lệ hộ nghèo gần 60%. Nguồn lực từ Đề án là cơ hội để xã giải quyết dứt điểm số nhà dột nát trên địa bàn. Năm 2024, xã thực hiện xóa 46 nhà. Nhằm thực hiện hiệu quả, xã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, huy động cán bộ, công chức xã, nhân dân các thôn đóng góp hàng trăm ngày công lao động giúp đỡ các hộ làm nhà. Đến nay, Pá Lau cơ bản hoàn thành 46 nhà, đây là điều kiện để xã phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành xóa xong nhà dột nát trên địa bàn.
Xã Túc Đán cũng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu. Năm 2024, Túc Đán thực hiện xóa 72 nhà dột nát; trong đó có 70 nhà nằm trong đề án xóa nhà dột nát của tỉnh Yên Bái và 2 nhà huy động nguồn hỗ trợ xã hội hóa.
Ông Thào A Tàng, Bí thư Đảng ủy xã Túc Đán cho hay: Với quyết tâm thực hiện hoàn thành số nhà theo kế hoạch, ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân, trong quá trình thực hiện xã còn huy động sự vào cuộc chung tay giúp đỡ của cán bộ, viên chức xã và người dân tại các thôn. Đã có hàng trăm ngày công giúp bà con vận chuyển vật liệu, san gạt mặt bằng, dựng nhà. Đến nay, xã đã hoàn thành xong 72 nhà.
Xác định chủ trương xóa nhà dột nát góp phần giải quyết cơ bản những khó khăn về nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, huyện Trạm Tấu huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tiến độ làm nhà theo đúng theo kế hoạch. Để đảm bảo chất lượng nhà, bên cạnh việc xét duyệt các hộ gia đình có đủ điều kiện về đất đai, huyện Trạm Tấu giao kế hoạch cụ thể cho các xã thường xuyên quan tâm, theo dõi tiến độ, giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Theo ông Giàng A Thào, Bí thư Huyện ủy huyện Trạm Tấu, huyện đánh giá cao chính sách của Đảng, Nhà nước và tỉnh Yên Bái về xóa nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo. Đề án có ý nghĩa quan trọng giúp hộ nghèo, cận nghèo an cư, lạc nghiệp và vươn lên thoát nghèo. Mặt khác, giúp huyện giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn, góp phần xây dựng các tiêu chí nông thôn mới.
Linh hoạt nhiều giải pháp
Lãnh đạo UBND các xã, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) kiểm tra tiến độ làm nhà của các hộ gia đình.
Thực hiện Đề án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và cận nghèo giai đoạn 2023 - 2025, UBND tỉnh Yên Bái ban hành kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với thực tế. Ngoài nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỉnh đã lên phương án huy động thêm ngân sách tỉnh, kết hợp với huy động các nguồn kinh phí xã hội hóa khác để hỗ trợ thêm cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở.
Theo đề án, Yên Bái phấn đấu xóa 3.022 nhà (2.351 nhà làm mới, 671 nhà sửa chữa) với kinh phí hỗ trợ gần 148,9 tỷ đồng (nguồn ngân sách Trung ương 81.540 triệu đồng, còn lại là nguồn ngân sách tỉnh và nguồn huy động hợp pháp khác). Trong đó, năm 2023, tỉnh hoàn thành 1.598, năm 2024 hoàn thành 1.424 nhà.
Nhằm triển khai hiệu quả đề án, Yên Bái huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở. Tỉnh kết hợp giữa nguồn lực ngân sách Nhà nước với các nguồn lực vận động hợp pháp khác và nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan, cá nhân để làm nhà ở cho người nghèo.
Mặt khác, tỉnh đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc làm nhà để bảo đảm về diện tích, kết cấu, chất lượng công trình và tiến độ làm nhà; quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ làm nhà đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả và quy định.
Người dân Trạm Tấu (Yên Bái) đang hoàn thiện ngôi nhà để đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh, sau gần hai năm thực hiện, đề án làm nhà cho hộ nghèo tại tỉnh Yên Bái đã tạo sự lan tỏa và thu hút nhiều nguồn hỗ trợ. Tổng giá trị đạt trên 369 tỷ đồng, gấp 2,5 lần tổng nhu cầu kinh phí đề án cần huy động ban đầu.
Đến nay, Yên Bái có 2.995 nhà hoàn thành theo phê duyệt của đề án, đạt 99% mục tiêu. Dự kiến trước 31/12/2024, toàn tỉnh sẽ khánh thành toàn bộ 3.022 nhà theo đề án. Toàn tỉnh cũng hoàn thành 750 ngôi nhà nằm ngoài đề án cho hộ nghèo với kinh phí trên 97,4 tỷ đồng; giá trị hỗ trợ bình quân cho một căn nhà làm mới 140 triệu đồng, hỗ trợ sửa chữa 31 triệu đồng.
Thực tế cho thấy, với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, tỉnh Yên Bái đã giải quyết căn bản tình trạng thiếu hụt về nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát; từ đó, giúp các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống; đảm bảo an sinh xã hội, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững.
Bài và ảnh: Đinh Thùy (TTXVN)