Vườn hoa lan hồ điệp của Công ty cổ phần Dịch vụ chăn nuôi Hòa Lộc (Yên Bái) chủ động việc tưới nước, tưới phân, điều khiển nhiệt độ đúng yêu cầu khi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp được ứng dụng kết hợp những công nghệ mới, tiên tiến để sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững. Bởi vậy, nhiều năm qua, tỉnh Yên Bái đã có những chính sách hỗ trợ, ưu tiên tập trung cho nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất.
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã triển khai 86 nhiệm vụ khoa học và công nghệ; trong đó, lĩnh vực khoa học nông nghiệp chiếm 66 nhiệm vụ với tổng kinh phí trên 34 tỷ đồng. Từ những kết quả nghiên cứu, các cơ quan chuyên môn không chỉ đưa 39 giống mới vào sản xuất đại trà mà còn nghiên cứu các cách làm mới, dựa trên công nghệ cao, góp phần tích cực vào phát triển nền nông nghiệp theo đúng định hướng của tỉnh.
Tiêu biểu như một số dự án, nhiệm vụ khoa học: nghiên cứu công nghệ nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris trên giá thể nhộng tằm, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi gà thương phẩm HAH-VCN đạt tiêu chuẩn VietGAHP, trồng nấm linh chi từ nguyên liệu cám cưa cây keo…
Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tỉnh Yên Bái cũng đã có những chính sách, cơ chế thuận lợi để thu hút, mời gọi các nhà đầu tư, động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để nhân dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Nhờ đó, nhiều tổ chức, cá nhân đã mạnh dạn đầu tư vào các khu sản xuất tập trung quy mô lớn với công nghệ hiện đại như công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, cảm biến, công nghệ sinh thái theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; mô hình tự động hóa, số hóa… giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ của sản xuất nông sản.
Anh Nguyễn Quốc Tuấn - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại Tuấn Anh ở thành phố Yên Bái cho biết: "Chúng tôi đã đầu tư trên 10 tỷ đồng vào hệ thống máy móc để trồng và sản xuất mộc nhĩ thương phẩm gồm: máy đảo trộn nguyên liệu, máy đóng bịch mộc nhĩ đa năng, tủ cấy vô trùng, kho lạnh nuôi trồng mộc nhĩ... Đồng thời, ứng dụng công nghệ phun sương để chăm sóc 0,7 ha nấm. Khi ứng dụng máy móc và công nghệ vào sản xuất đã mang lại hiệu quả rõ rệt, không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng mà còn tạo ra sự đồng đều cho thành phẩm, không lệ thuộc vào thời tiết như trước đây. Trung bình mỗi năm, chúng tôi sản xuất được 25 tấn mộc nhĩ thành phẩm, lợi nhuận thu về trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 30 lao động địa phương”.
Hay Công ty TNHH Yamazaki Việt Nam tại xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên đã đầu tư hàng tỷ đồng cho thiết bị, công nghệ chế biến đáp ứng các tiêu chuẩn về xuất khẩu sản phẩm măng Bát độ cho thị trường Nhật Bản và Đài Loan với công suất đạt 500 tấn/năm; Công ty cổ phần Dịch vụ chăn nuôi Hòa Lộc ứng dụng hệ thống nhà kính kết hợp bón phân, tưới nước tự động và điều hòa được nhiệt độ phù hợp với môi trường phát triển của loài hoa lan Hồ điệp; Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái với hệ thống nhà máy ươm tơ tự động tại huyện Trấn Yên, công suất 150 tấn tơ thành phẩm/năm, lượng kém tằm tiêu thụ khoảng 1.200 tấn/năm…
Có thể thấy, ở Yên Bái, sự giúp sức của khoa học - công nghệ đang được triển khai ở nhiều khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp từ nghiên cứu, chọn tạo giống, chuyển giao kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, canh tác cho đến chế biến, bảo quản…, góp phần thay đổi bức tranh nông nghiệp địa phương, từng bước hội nhập và phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Hoài Anh