Yên Bái với hiệu quả 'Tổ truyền thông cộng đồng'

Yên Bái với hiệu quả 'Tổ truyền thông cộng đồng'
17 giờ trướcBài gốc
Giao lưu các tổ truyền thông cộng đồng tại thị xã Nghĩa Lộ.
Tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết là một trong 4 nội dung của Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Để thực hiện nội dung này, một trong những hoạt động chính là xây dựng tổ truyền thông cộng đồng (TTCĐ).
Tổ TTCĐ là mô hình nhằm tuyên truyền, vận động người dân tại cộng đồng thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS. Các tổ TTCĐ được thành lập ở thôn, bản do UBND xã ra quyết định thành lập trên cơ sở tham mưu của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã.
Tổ TTCĐ của thôn Đá Gân, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn có 9 thành viên.
Tổ sinh hoạt định kỳ vào ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng, trước hết là chia sẻ thông tin cho chính thành viên trong Tổ và xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho cộng đồng về các nội dung như: tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, lao động sản xuất, phát triển kinh tế…, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại. Các thành viên trong Tổ cũng tích cực theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng của người dân nói chung, phụ nữ, trẻ em gái nói riêng trên địa bàn, kịp thời phản ánh với Ban điều hành Tổ về các vấn đề phát hiện ở địa bàn…
Ông Lương Đức Hải - Tổ trưởng Tổ TTCĐ thôn Đá Gân cho biết: "Thời gian qua, trong các cuộc họp thôn, Tổ TTCĐ chúng tôi thường tuyên truyền đến người dân về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến về giới, đặc biệt tích cực tuyên truyền về bạo lực gia đình. Trước kia ở thôn vẫn còn tình trạng chồng đi uống rượu say về có hành vi bạo lực với vợ con, từ khi Tổ TTCĐ được thành lập, tình trạng đó đã giảm đi đáng kể”.
Tổ TTCĐ không chỉ có các thành viên là phụ nữ mà còn có nam giới ở các độ tuổi cùng tham gia, qua đó ngày một thu hút sự quan tâm và nâng cao vai trò, trách nhiệm của nam giới trong thực hiện bình đẳng giới trong cộng đồng thôn bản những địa bàn triển khai Dự án 8.
Bà Hoàng Phương Thúy - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh, Phó Ban Điều hành Dự án 8 tỉnh cho biết: "Với mục tiêu nâng cao nhận thức, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần; bảo vệ, chăm sóc phụ nữ, trẻ em, xây dựng gia đình hạnh phúc, nhất là ở địa bàn đặc biệt khó khăn, Dự án 8 góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi; đồng thời, củng cố, xây dựng, duy trì, nhân rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình hiệu quả trong khuôn khổ thực hiện Dự án trên địa bàn tỉnh”.
Để hỗ trợ hoạt động của các tổ TTCĐ, Ban Điều hành Dự án 8 tỉnh đã tăng cường mở các lớp tập huấn; đồng thời, tổ chức hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ TTCĐ. Mới đây nhất, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức hoạt động "Giao lưu Tổ TTCĐ” cấp tỉnh tại thị xã Nghĩa Lộ với sự tham gia của 56 thành viên của 8 tổ TTCĐ đại diện cho 387 Tổ TTCĐ toàn tỉnh, tạo sân chơi ý nghĩa và bổ ích, tạo điều kiện để các thành viên trong các tổ TTCĐ các địa phương gặp gỡ, giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình tham gia các hoạt động liên quan đến bình đẳng giới, đồng thời khuyến khích các thành viên tiếp tục đóng góp tích cực vào việc xây dựng cộng đồng, đặc biệt là trong việc thay đổi các thói quen và tập tục có hại, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới trong xã hội.
Theo đánh giá của Ban Điều hành Dự án 8 tỉnh, mô hình Tổ TTCĐ thời gian qua đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng và tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh. Những kết quả đạt được này là hết sức quan trọng, góp phần tạo tiền đề cho các hoạt động nói chung của Dự án 8 trong giai đoạn tiếp theo đến năm 2030.
Thu Hạnh
Nguồn Yên Bái : https://baoyenbai.com.vn/13/343802/-yen-bai-voi-hieu-qua-to-truyen-thong-cong-dong.aspx