Gia đình chị Hoàng Thị Ước ở thôn Trại Máng, xã Vũ Linh trang bị đèn sưởi, bổ sung thức ăn cho đàn gà trong những ngày giá rét.
Gia đình anh Trần Văn Công ở thôn Ba Chãng, xã Vĩnh Kiên phát triển mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm nhiều năm nay. Xác định bảo vệ tốt đàn vật nuôi không chỉ giúp kinh tế gia đình phát triển ổn định mà còn góp phần tăng tổng đàn gia súc của địa phương nên ngay từ những ngày đầu đông, gia đình anh Công luôn chủ động theo dõi diễn biến thời tiết và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho đàn lợn của gia đình.
Anh Công chia sẻ: "Những ngày trời rét, nhiệt độ giảm sâu, gia đình tôi đã chủ động che chắn chuồng trại, đảm bảo kín gió giữ ấm cho đàn lợn. Đồng thời, gia đình cũng chủ động phòng, chống dịch bệnh và bổ sung dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi như thường xuyên tiêm phòng định kỳ và bổ sung đầy đủ các loại thức ăn tinh bột”.
Gia đình chị Hoàng Thị Ước ở thôn Trại Máng, xã Vũ Linh nuôi hơn 1.000 con gà. Những ngày qua, để bảo đảm cho đàn gia cầm tránh dịch bệnh, có sức đề kháng tốt chống chọi với đợt rét đậm đang đến, gia đình chị Ước đã dùng bạt quây xung quanh chuồng nhằm tránh gió lùa và giữ nền chuồng luôn khô ráo đồng thời bổ sung nước ấm, thức ăn dinh dưỡng, tạo nguồn nhiệt sưởi ấm cho đàn vật nuôi. Chị Ước chia sẻ: "Gia đình tôi áp dụng biện pháp quây kín chuồng trại. Những ngày nền nhiệt xuống thấp sẽ dùng bóng điện sưởi ấm cho đàn gà. Bên cạnh đó, tôi cũng tiêm vắc xin phù hợp cho vật nuôi để tăng sức đề kháng ”.
Hiện nay, toàn huyện Yên Bình có tổng đàn gia súc chính trên 141.500 con. Ngay từ đầu mùa đông, huyện đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban chức năng thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin để người dân biết, chủ động phòng, chống.
Huyện thành lập các tổ công tác xuống các thôn, bản, khu phố để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho người, cho gia súc, gia cầm, thủy sản và cây trồng, đặc biệt chú trọng các thôn, bản vùng cao; hướng dẫn nhân dân áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Về công tác chống rét cho đàn vật nuôi trên địa bàn, bà Đào Thị Thanh Hiền – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) huyện cho biết: "Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, Phòng tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn cho người dân đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn người chăn nuôi chú trọng các biện pháp tu sửa chuồng trại, làm áo khoác ấm, tạo nguồn nhiệt sưởi ấm cho vật nuôi; dọn dẹp vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại. Đặc biệt, khuyến cáo bà con cập nhật diễn biến thời tiết để chủ động phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi”.
Ngành nông nghiệp huyện cũng chỉ đạo các cơ sở tăng cường tuyên truyền người dân che chắn chuồng trại, bảo đảm kín, tránh gió lùa, sử dụng bóng điện, bóng hồng ngoại, bếp sưởi để tăng nguồn nhiệt sưởi ấm; vào những ngày nền nhiệt xuống dưới 10 độ C, tuyệt đối không cho trâu, bò làm việc ngoài đồng, chăn thả tự do; áp dụng chế độ chăn thả muộn về sớm; dùng bao tải, tấm chăn để may làm áo choàng chống rét cho gia súc.
Ngoài ra, những ngày giá rét, người nuôi cần đun nước ấm cho trâu, bò uống, bổ sung thêm muối ăn với định lượng 5 gram/100kg trọng lượng cơ thể nhằm tăng khả năng trao đổi chất và nâng cao sức đề kháng; tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường xung quanh định kỳ bằng các loại hóa chất thông dụng, tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine theo đúng quy trình…
Từ ngày mai (5/12), không khí lạnh được dự báo sẽ tăng cường và rét nhất vào 2 ngày cuối tuần. Với tinh thần chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi, ngành chức năng cùng các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Yên Bình đang nỗ lực để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại đàn vật nuôi do thời tiết bất lợi.
Bùi Minh