Đông đảo du khách tới tham quan hồ Thác Bà vào những dịp nghỉ lễ.
Tại thị trấn Yên Bình, Nhà tàu Chiến Tú (tổ dân phố 13) đã chủ động hoàn tất các công tác chuẩn bị. Với 6 thuyền vận chuyển hành khách đã đăng kiểm đầy đủ, Nhà tàu xây dựng lộ trình cụ thể cho các phương tiện, sẵn sàng phục vụ từ 10 đến 40 du khách/chuyến tham quan. Ngoài ra, đơn vị cũng liên kết với các điểm du lịch trên hồ để đa dạng hóa hành trình.
Chủ Nhà tàu, chị Nguyễn Thanh Tú chia sẻ: "Chúng tôi đã thiết kế các tour du lịch khám phá đảo Ngọc Xanh, đảo Thiên Đường, Nhà máy Thủy điện Thác Bà, đền Mẫu Thác Bà, Động Thủy Tiên… phục vụ du khách từ vận chuyển, ăn uống ngay trên tàu hoặc các đảo nhỏ thơ mộng. Chi phí tour dao động từ 300.000 đến 400.000 đồng/người".
Còn tại Khu nghỉ dưỡng Đảo Ngọc Xanh (xã Đại Đồng) - một trong những điểm đến nổi bật trên hồ Thác Bà - cũng đang hoàn thiện các hạng mục để đón khách. Đơn vị đã tích cực chỉnh trang hệ thống phòng Bungalow, nhà nghỉ cộng đồng, bổ sung các trò chơi dưới nước và trồng thêm 1 ha hoa để phục vụ nhu cầu check-in của du khách.
Chị Đặng Thị Liên - nhân viên khu nghỉ dưỡng cho biết: "Đảo Ngọc Xanh có thể đón trên 100 khách, với không gian gần gũi thiên nhiên cùng các hoạt động văn hóa, giao lưu với các câu lạc bộ văn nghệ dân tộc Dao, Cao Lan, Tày, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách".
Còn tại Khu nghỉ dưỡng làng An Bình (xã Tân Hương), công tác vệ sinh, trang trí, nâng cấp cơ sở vật chất cũng đang được gấp rút hoàn thiện. Chị Lục Thị Hải Yên - nhân viên khu nghỉ dưỡng cho biết: "Từ quốc lộ 70, du khách dễ dàng tiếp cận làng An Bình bằng đường bộ. Ngoài hệ thống phòng nghỉ tiện nghi, chúng tôi còn tập trung giới thiệu nét đẹp ẩm thực, văn hóa dân tộc Cao Lan tới du khách".
Du khách tới tham quan, trải nghiệm tại Khu nghỉ dưỡng Đảo Ngọc Xanh.
Trong khuôn khổ Ngày hội "Âm vang hồ Thác Bà”, du khách không chỉ được tham quan, nghỉ dưỡng mà còn tham gia vào chuỗi sự kiện sôi động: giao lưu văn nghệ, thi nhảy dân vũ, đua thuyền nan, trình diễn đan rọ tôm, các trò chơi dưới nước như mô tô nước, lướt ván, lướt chuối, đi cầu trên mặt nước..., Huyện Yên Bình đã triển khai nhiều phương án đảm bảo an toàn, như: kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, phân luồng giao thông đường thủy, tăng cường kiểm soát an ninh tại các khu vực tổ chức hoạt động.
Ông Vũ Tuấn Mạnh - Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Yên Bình cho biết: "Các hoạt động năm nay kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, quy mô toàn huyện, huy động đông đảo người dân và nghệ nhân tham gia, nhằm quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên và con người Yên Bình tới bạn bè, du khách gần xa".
Yên Bình được xác định là một trong ba vùng văn hóa đặc sắc của tỉnh Yên Bái, nằm trong quần thể Di tích quốc gia hồ Thác Bà. Toàn huyện hiện có 25 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, trên 30 mô hình du lịch cộng đồng và gần 20 câu lạc bộ văn hóa dân gian lưu giữ phong tục, tập quán của đồng bào Dao, Cao Lan, Tày. Huyện đã hình thành nhiều tour, tuyến du lịch hấp dẫn như: tham quan Nhà máy Thủy điện Thác Bà, động Thủy Tiên, làng nghề đan rọ tôm Đồng Tâm, đình Khả Lĩnh, đền Ba Chãng…
Từ đầu năm 2025 đến nay, Yên Bình đã đón hơn 130.100 lượt khách, tăng hơn 58% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu từ du lịch đạt gần 31 tỷ đồng. Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, dự báo lượng khách tiếp tục tăng cao, tạo thêm nguồn thu nhập và động lực phát triển du lịch bền vững cho địa phương.
Hoài Văn