Đồng chí Nguyễn Thành Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng OCOP huyện thông tin: Để da dạng các sản phẩm nông sản, phát huy tiềm năng sản xuất sản phẩm nông nghiệp, huyện đã từng bước quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển du lịch, giới thiệu đặc sản địa phương đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực phát triển các sản phẩm OCOP. Sau gần 4 năm thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, đến tháng 11/2024 huyện đã có 32 sản phẩm được công nhận, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên với 26 chủ thể. Tổng số xã có sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện có sản phẩm OCOP là 17/17 xã, thị trấn.
Trong đó, có 9 sản phẩm được đánh giá, phân hạng vào tháng 11 vừa qua là: Dầu lạc Mỹ Lương, Măng gầy Trung Sơn; Thịt lợn bản địa Yên Lập; Cam Nga Hoàng; bánh giầy Hồ Ly; Bưởi Diễn tôm xanh Phúc Khánh; Thịt chua vị tỏi ớt; Rượu mầm nếp gà gáy và Rượu nếp gà gáy.
Hội đồng OCOP huyện Yên Lập thực hiện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2, năm 2024
Để phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn, UBND huyện Yên Lập đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho các chủ thể như: Khuyến khích, tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất sản phẩm thành lập mới hợp tác xã, mở rộng sản xuất kinh doanh, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm đến thị trường trong và ngoài nước. Quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể OCOP trên địa bàn huyện trong việc trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng tham gia tại các cuộc hội chợ, triển lãm.
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền tới các chủ thể là Hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ gia đình phát triển sản phẩm gắn với thế mạnh địa phương; kiểm tra tình hình sản xuất sản phẩm, hướng dẫn chủ thể xây dựng hồ sơ sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu rộng rãi Chương trình OCOP và các sản phẩm OCOP của huyện và triển khai 2 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP, trong đó một điểm bán tại thị trấn Yên Lập và một điểm bán tại xã Mỹ Lung.
Các sản phẩm OCOP của huyện Yên Lập thường xuyên được giới thiệu, quảng bá tại các hội nghị trong và ngoài tỉnh.
Lần đầu tiên có sản phẩm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP vào tháng 11 vừa qua, ông Dương Văn Minh - chủ cơ sở sản xuất bánh dầy Hồ Ly cho biết: Là người dân tộc Mường, từ lâu tôi đã say mê với nghề làm bánh, nhiều lần tham gia Hội thi gói nấu bánh chưng, giã bánh giầy tại Lễ hội Đền Hùng và có 3 năm đạt giải Nhất, 1 năm 1 đạt giải Nhì. Tôi nhận thấy bánh giầy truyền thống của quê hương có hương vị và cách chế biến đặc trưng, bánh dẻo mịn, được nhiều người yêu thích. Sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn, tôi đã xây dựng hồ sơ sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024 đối với sản phẩm bánh giầy Hồ Ly và được Hội đồng thẩm định xếp hạng sản phẩm đạt OCOP 3 sao...
Được biết, với việc nhiều năm đạt giải, có danh tiếng sẵn có kết hợp được công nhận sản phẩm OCOP, bánh giầy Hồ Ly đang dần tạo được chỗ đứng trên thị trường. Hiện nay, hộ ông Dương Văn Minh đã xây dựng nhà xưởng sản xuất rộng 53m2 cùng máy giã bánh cùng 12 công nhân làm việc, sản xuất từ 250 - 300 sản phẩm/ngày.
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát triển các các sản phẩm OCOP, huyện Yên Lập sẽ tập trung phát triển đa dạng các sản phẩm nông sản, từng bước quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển du lịch, giới thiệu đặc sản địa phương, mang đến cho người tiêu dùng, khách thập phương những sản phẩm chất lượng, an toàn. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức kinh tế, hộ gia đình đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Kết nối chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm tại các hội chợ, lễ hội, hội nghị trong và tỉnh. Đồng thời, nỗ lực triển khai các giải pháp phấn đấu hoàn thành mục tiêu trong năm 2025 sẽ xây dựng, đánh giá và phân hạng 7 sản phẩm và đánh giá nâng hạng với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn.
Vĩnh Hà