Một góc Trung tâm Hành chính công huyện Yên Phong.
“Đòn bẩy” phát triển
Huyện Yên Phong sở hữu vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi, nằm trên các tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia và khu vực. Quốc lộ 18 kết nối Yên Phong với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và cảng biển Cái Lân - Hạ Long, Quốc lộ 3 nối liền Hà Nội với Thái Nguyên và các tỉnh phía Bắc. Mạng lưới giao thông cấp tỉnh như ĐT.285B, ĐT.286, ĐT.276, ĐT.277, ĐT 287, ĐT.295 tạo điều kiện kết nối giao thương của Yên Phong với các trung tâm kinh tế và đô thị trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Không chỉ có vậy, Yên Phong còn được thiên nhiên ưu đãi với các tuyến sông Ngũ Huyện Khê, sông Cà Lồ và sông Cầu bao quanh, vừa tạo nên cảnh quan đặc sắc, vừa mở ra tiềm năng phát triển giao thông đường thủy. Tất cả những yếu tố này tạo nên một vị thế “địa lợi” hiếm có, là tiền đề quan trọng để Yên Phong phát triển kinh tế và đô thị.
Ông Nguyễn Văn Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Yên Phong thông tin: "Yên Phong có được những lợi thế vô cùng quan trọng về vị trí địa lý, giao thông và nguồn lực để phát triển. Chúng tôi xác định rõ việc phát huy những lợi thế này để tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ trên các lĩnh vực kinh tế, công nghiệp và đô thị. Đồng thời, luôn coi trọng việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng một đô thị phát triển bền vững, nơi quá khứ và tương lai hòa quyện”.
Huyện hiện có ba khu công nghiệp lớn, thu hút nhiều tập đoàn đa quốc gia và công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, Amkor…
“Thủ phủ” công nghiệp công nghệ cao
Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, Yên Phong đã tận dụng tối đa lợi thế về vị trí địa lý và hạ tầng giao thông để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế công nghiệp và đô thị. Chủ tịch UBND huyện Yên Phong cho biết, huyện hiện có ba khu công nghiệp lớn: Yên Phong I, Yên Phong I mở rộng và Yên Phong 2, thu hút nhiều tập đoàn đa quốc gia và công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, Amkor.
Theo tìm hiểu, sự hiện diện của các “ông lớn” công nghệ đã tạo ra động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế, đưa Yên Phong trở thành một trong những “thủ phủ” công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao của khu vực và vươn tầm quốc tế.
Trong đó, sự phát triển kinh tế mạnh mẽ đã tạo đà cho đô thị Yên Phong phát triển với tốc độ nhanh chóng. Thị trấn Chờ, trung tâm huyện lỵ, từ một thị trấn nhỏ đã mở rộng và kết nối với các vùng phụ cận, đạt tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2022. Mục tiêu đến năm 2025, Yên Phong sẽ đạt tiêu chí đô thị loại III và trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Tuy nhiên, mục tiêu này đang tạm dừng theo chủ trương sắp xếp của Trung ương. Nhưng trong tương lai, đô thị này hứa hẹn sẽ là một vùng đất tiềm năng và giàu nội lực của tỉnh.
Đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt xã Tam Giang, huyện Yên Phong được khởi công xây dựng từ năm 2017, nằm ở phía Nam, giáp đê sông Cầu lịch sử - nơi gắn liền với chiến thắng lừng lẫy trên sông Như Nguyệt.
Bên cạnh phát triển kinh tế, Yên Phong cũng chú trọng gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Vùng đất này nằm ven sông Cầu với nhiều làng quan họ - cái nôi của những làn điệu quan họ Kinh Bắc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, với nhiều làng quan họ cổ. Yên Phong còn là nơi lưu giữ đậm đặc các di tích lịch sử, văn hóa có giá trị như Chiến tuyến sông Như Nguyệt, Đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt, Đền Đô, Đền Đại Tư Mã…
Vị trí đô thị Yên Phong và mối liên hệ với các đô thị khác.
Theo Chủ tịch UBND huyện Yên Phong, với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, Yên Phong đã xác định rõ ràng định hướng phát triển đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại, bền vững và mang tầm vóc quốc tế; xây dựng Yên Phong trở thành đô thị đáng sống, phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử, đảm bảo an ninh quốc phòng hướng tới trở thành một đô thị văn hóa - sinh thái - tri thức - thông minh.
Nguyên Khánh