Yên Thế đất thiêng muôn thuở

Yên Thế đất thiêng muôn thuở
4 giờ trướcBài gốc
Yên Thế, mảnh đất lịch sử gắn liền với cuộc khởi nghĩa yêu nước kéo dài ba mươi năm chống giặc Pháp xâm lược. Nếu như phong trào Cần Vương gắn với vua Hàm Nghi là khúc mở đầu của bản giao hưởng bi tráng chống giặc Tây ở giai đoạn chưa có Đảng lãnh đạo thì cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám chỉ huy là khúc cuối cùng.
Trống hội tại Lễ khánh thành đền thờ Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám. Ảnh: Ngọc Anh.
Cuộc khởi nghĩa Yên Thế mang tầm vóc lịch sử to lớn thể hiện rất rõ lòng yêu nước, bản lĩnh, trí tuệ của dân tộc Việt Nam. Càng lùi xa, những giá trị tốt đẹp ấy càng tỏa sáng. Vì thế, ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng di tích đặc biệt đối với những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế nằm trên địa bàn bốn huyện: Yên Thế, Tân Yên, Việt Yên và Yên Dũng. Riêng huyện Yên Thế có 9/23 điểm.
Cũng như Bắc Giang ân tình, Yên Thế không phải là nơi tôi đến lần đầu. Trong cái nắng của một ngày đẹp trời đầu đông pha sắc thu vàng như mật, tôi lại được ngắm nhìn Yên Thế. Núi non, sông suối vẫn mang nét thân thuộc nhưng cuộc sống nơi vùng đất bán sơn địa này dường như đã đổi thay và khởi sắc lên nhiều. Đền thờ Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám cùng một số hạng mục công trình khác gắn với cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã và đang được xây dựng thật đàng hoàng, to đẹp. Tại đền Thề cổ kính, tôi được gặp lại “người xưa”. Đó là Dương Thị Lan, cán bộ Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện đã từng thuyết minh cho chúng tôi cách đây hơn mười năm về trước.
Tôi nhớ lần đó Trung tâm đón tiếp một số nhà văn. Giám đốc chỉ vào Lan tươi cười nói: “Đây là thuyết minh viên của chúng tôi, nếu em nó nói chưa chuẩn thì mong các bác thông cảm nhé”. Hóa ra, đồng chí Giám đốc Trung tâm đã lo xa, Dương Thị Lan thuyết minh “chuẩn không cần chỉnh” như nhận xét của một nhà văn cao tuổi trong đoàn. Lần này, chỉ có mình tôi là nhà văn và Lan cũng “độc lập tác chiến”. Sau khi vào thắp hương ở đền Thề, tôi và Lan cùng ngồi trên chiếc ghế đá đặt dưới gốc cây mít trong khuôn viên. Chỉ hai cây mít ở đền Thề, Lan nói: “Tuổi của nó đã mấy trăm năm rồi đó anh ạ! Sau khi đền xây xong, cụ Đề Thám đã cho trồng hai cây mít này”. Tôi nhẩm tính, đền Thề được xây dựng vào cuối thế kỷ 19. Như vậy, đã gần 136 năm, đền Thề cùng hai cây mít lưu giữ kỹ càng những dấu tích và âm hưởng lịch sử trong mình.
Cuộc khởi nghĩa Yên Thế mang tầm vóc lịch sử to lớn thể hiện rất rõ lòng yêu nước, bản lĩnh, trí tuệ của dân tộc Việt Nam. Càng lùi xa, những giá trị tốt đẹp ấy càng tỏa sáng, tuy nó chỉ phản chiếu một chặng đường lịch sử không dài lắm nhưng thấm đẫm máu, nước mắt và mồ hôi cùng những bài học vô cùng quý báu trong hành trình dựng nước, giữ nước của dân tộc.
Đền Thề - ngôi đền nhỏ khiêm nhường đã chứng kiến toàn bộ diễn biến, thành bại của cuộc khởi nghĩa nông dân mang tên Yên Thế kéo dài suốt ba thập kỷ cam go với không ít mất mát, hy sinh của các chiến binh chân đất áo vải. Đền Thề là điểm nhấn nổi bật nhất, quan trọng nhất trong các di tích của cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Ban đầu đền chỉ được dựng lên bằng tranh tre nứa lá. Mãi đến năm 1897, thời kỳ hòa hoãn lần hai giữa nghĩa quân và thực dân Pháp, Đề Thám mới cho tu sửa lại và chính tay Cụ lựa chọn từng khúc gỗ lim để làm nên một ngôi đền có kiến trúc như hiện nay.
Hiện nay, rất tiếc có những di tích chỉ còn lại tên gọi, đồn lũy, hiện vật không còn nhiều. Đồn Hố Chuối là một ví dụ. Đây chính là cụm cứ điểm chiến đấu liên hoàn, hỗ trợ cho nhau được nghĩa quân xây dựng vào khoảng năm 1887 đến 1888, sau đó được tu sửa củng cố vào các năm 1892 đến 1894. Hay như đồn Phồn Xương hầu như cũng không còn mấy vết tích được lưu giữ. Lần trước tôi đến đây còn thấy một đoạn tường thành đắp bằng đá ong dài chừng 4 m, cao khoảng 2 m. Lần này đến không còn thấy nữa và được chứng kiến một tốp nhân công đang xây dựng bờ tường ở chân đồi. Thâm tâm tôi thực sự nuối tiếc về sự “biến mất” của đoạn tường còn sót lại ở đồn Phồn Xương ấy.
Tôi đem băn khoăn của mình trao đổi với đồng chí Phan Tùng Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện thì được biết đã có kế hoạch phục dựng lại đồn Phồn Xương và sau đó nữa là đồn Hố Chuối để sau khi vào đền thắp hương tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám và các nghĩa quân, khách bốn phương sẽ đến xem lại thực địa nơi xảy ra các cuộc đối chiến khốc liệt giữa những người yêu nước với kẻ xâm lăng tàn bạo. Những bài học về lòng yêu nước sẽ được hàm thụ tại đây, từ đây trên mảnh đất Yên Thế linh thiêng này. Đồng chí Phan Tùng Dương nhấn mạnh thêm, nhân dân Yên Thế mong muốn có một công trình xứng đáng với tầm vóc và ý nghĩa to lớn của cuộc khởi nghĩa nông dân do Cụ Hoàng Hoa Thám lãnh đạo và nó gắn với sự phát triển KT-XH của địa phương thông qua việc hình thành các tour tuyến du lịch bài bản có sức hấp dẫn lớn.
Không thể nói khác, cuộc khởi nghĩa Yên Thế rất xứng đáng được ghi đậm vào trang sử dân tộc mà mỗi di tích, hiện vật, địa danh đều phải được giữ gìn, tôn vinh, phục chế, tạo dựng lại một cách cẩn trọng, chính xác. Một cuộc khởi nghĩa mà ngay đối phương của ta cũng phải kinh hoàng, khâm phục. Barthouet, một sĩ quan Pháp từng tham chiến tại Yên Thế đã viết trong cuốn sách "Thảm kịch của người Pháp tại Đông Dương": “Nếu bây giờ tôi nói về mặt quân sự, Hoàng Hoa Thám là một người lão luyện, có một trình độ, kiến thức của một sĩ quan chỉ huy có tài... có lẽ mọi người sẽ cho rằng tôi đã nói một điều mạo phạm. Sự thực cho thấy, những cuộc hành quân quy mô để chống lại ông Đề, do các tướng lĩnh có tiếng chỉ huy như tướng Godin, đại tá Godard, trung tá Winekels Mayer, đại tá Frey, tướng Voyron, đại tá Gallieni, đại tá Baiaile... và nhiều vị khác nữa. Thế nhưng tất cả các danh tính tôi vừa nêu, đều không một ai thực sự thành công...”.
Thuyết minh viên Dương Thị Lan kể cho tôi nhiều câu chuyện về Hoàng Hoa Thám, bà Ba Cẩn... Những câu chuyện có phần nào được huyền thoại hóa, thấp thoáng cả yếu tố tâm linh nhưng cốt lõi của nó là sự thật hùng hồn về lòng yêu nước đã trở thành bất tử. Nhân dân lam lũ nhưng can trường luôn nhớ về Hoàng Hoa Thám như một biểu tượng anh hùng bất khuất: "Đất này là đất Cụ Đề/ Tây lên thì có, Tây về thì không"... Và, giữa mảnh đất Yên Thế, ngay bên đền Thề linh thiêng, tôi quá ám ảnh với những cơn mưa ở nơi này qua câu chuyện của Lan. Các lần lễ hội, lễ cầu siêu hay gần đây là lễ khởi công đúc tượng, lễ hô thần nhập tượng, trời Yên Thế đều đổ mưa. Những cơn mưa gợi nhắc trong tôi một nghi vấn lịch sử huyền bí chưa giải thích được về cái chết của Hoàng Hoa Thám.
Chuyện rằng, trong trận đánh cuối cùng bị giặc Pháp truy đuổi, Đề Thám và một số nghĩa quân thân tín của Cụ đã chạy về phía núi Ngàn Ván. Bọn thực dân bao vây bốn phía và châm lửa đốt khu rừng. Lửa cháy rừng rực, khói bụi mịt mù, chim chóc bay tán loạn. Đúng lúc ấy, bỗng xuất hiện một cơn mưa lớn giữa một ngày được coi là đẹp trời. Vừa mới trời trong nắng vàng đó, bỗng ào ào mưa trút. Thật kỳ lạ. Và, càng kỳ lạ hơn là sau đó giữa tro bụi ướt nhèm, quân giặc không tìm được xác của Hoàng Hoa Thám. Cụ đã bay về đâu? Giữa trời đất bao la này. Cho đến chiều hôm ấy, khi được vào hậu cung ở đền thờ thắp hương cho Cụ, khi nhìn lên bức tượng người Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám vừa kiên nghị, vừa đôn hậu, câu hỏi ấy vẫn hiện lên trong tôi. Tôi tin rằng, các anh hùng, liệt sĩ vì nước vì dân khi hy sinh đều bay vào cõi Bất Tử.
Bút ký của Nguyễn Hữu Quý
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/yen-the-dat-thieng-muon-thuo-postid411356.bbg