Khu di tích lịch sử cách mạng Yên Trường không chỉ là địa danh mà còn là một trong những trung tâm cách mạng tiêu biểu của tỉnh Thanh Hóa và huyện Thọ Xuân trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ 1930 - 1945. Đây là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Thọ Xuân (ngày 22/7/1930) và cũng là nơi thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (ngày 29/7/1930). Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, Yên Trường nói chung, xã Thọ Lập nói riêng đã có nhiều đóng góp cho các cuộc kháng chiến, đặc biệt là trong kháng chiến chống Pháp.
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc diễn ra trên khắp đất nước. Những người yêu nước khắp nơi hưởng ứng và gây dựng nhiều phong trào, hội, nhóm nhằm chống lại sự đàn áp của thực dân Pháp. Nhiều cuộc đấu tranh, khởi nghĩa diễn ra nhưng đều thất bại do thiếu đường lối lãnh đạo đúng đắn.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trên cơ sở sáp nhập 3 tổ chức cộng sản trong nước, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản chỉ đạo. Thực hiện Chỉ thị của Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Lê Công Thanh - Xứ ủy viên, Bí thư tỉnh ủy Hà Nam giao cho đồng chí Nguyễn Doãn Chấp người huyện Hoằng Hóa, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam trở về Thanh Hóa chắp nối liên lạc với tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội, tiến hành xây dựng Đảng bộ Thanh Hóa.
Ngày 22/7/1930, tại nhà đồng chí Lê Văn Sỹ làng Yên Trường, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp, hội nghị thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Thọ Xuân gồm 7 đảng viên: Lê Văn Sỹ, Lưu Xuân Ngoạn, Trịnh Quang Lịch, Lê Văn Sỵ (làng Yên Trường), Lê Đình Dương (Yên Lược), Trịnh Khiếu, Nguyễn Văn Phúc (Yên Trung). Đồng chí Lê Văn Sỹ được cử làm bí thư chi bộ. Hội nghị đã thảo luận và đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lựa chọn kết nạp đảng viên, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng tổ chức nông hội đỏ, phát triển đấu tranh chống áp bức bóc lột.
Chi bộ Đảng Cộng sản Thọ Xuân ra đời mở ra một bước ngoặt lịch sử trọng đại. Từ đây phong trào cách mạng Thọ Xuân có Đảng lãnh đạo sẽ phát triển mạnh, đúng hướng. Ngày 29/7/1930, một sự kiện lịch sử trọng đại của Nhân dân Thanh Hóa đã diễn ra tại nhà đồng chí Lê Văn Sỹ ở Yên Trường (Thọ Lập), đó là Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa do đồng chí Nguyễn Doãn Chấp chủ trì. Hội nghị đã quyết định nhiều chủ trương, công tác có ý nghĩa mở đầu của Đảng bộ đối với phong trào cách mạng của tỉnh nhà.
Trải qua 95 năm, giá trị lịch sử cách mạng của di tích lịch sử cách mạng Yên Trường đã được tái hiện lại gần như nguyên bản để lưu giữ, bảo tồn, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập của các tầng lớp Nhân dân và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Khu di tích được tỉnh và huyện Thọ Xuân đầu tư, tôn tạo đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật, thẩm mỹ và giá trị văn hóa lịch sử cách mạng, trở thành “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.
Trong những ngày lễ lớn của đất nước, nhất là hướng đến kỷ niệm Ngày thành lập Đảng hằng năm, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động “về nguồn” nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước trong thế hệ trẻ. Theo thống kê, từ đầu năm 2023 đến nay có khoảng 6.000 lượt học sinh, học viên, cán bộ, đảng viên trong, ngoài tỉnh Thanh Hóa đã đến tham quan, đang hoa, dâng hương và tìm hiểu di tích.
Ngoài ra, để tạo nguồn, nâng cao sức chiến đấu cho tổ chức cơ sở Đảng và trẻ hóa đội ngũ đảng viên, nhiều năm nay vào đầu tháng 2 hằng năm, Đảng bộ huyện Thọ Xuân đã tổ chức lễ công bố quyết định kết nạp đảng viên trẻ cho quần chúng ưu tú ngay trong khuôn viên của Khu di tích. Trong đó, đáng chú ý ngày 3/2/2025, Đảng bộ huyện đã công bố quyết định kết nạp đảng viên cho 36 quần chúng ưu tú. Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm tiếp nối truyền thống yêu nước, cách mạng của các thế hệ huyện Thọ Xuân qua các thời kỳ phát triển của đất nước. Các đảng viên trẻ được kết nạp đều là những quần chúng ưu tú có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng; không ngừng phấn đấu, tích cực tham gia các phong trào, các hoạt động đoàn thể và luôn gương mẫu trong mọi hoạt động, xứng đáng được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Bí thư Đảng ủy xã Thọ Lập Trần Văn Lực, cho biết: “Là “địa chỉ đỏ”, các hoạt động giáo dục truyền thống tại đây được tổ chức thường xuyên đã và đang giúp các thế hệ có nhận thức đúng đắn về lịch sử dân tộc; tôn vinh các thế hệ cha anh nhưng cũng đồng thời đã và đang góp phần tạo nên sức sống lâu bền cho chính Khu di tích”.
Bài và ảnh: Lê Phượng